xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bị bướu cổ: Đừng hốt hoảng!

Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng

Phần lớn các bướu thuộc loại lành nên đừng quá sợ bướu cổ nào cũng là ung thư, nhưng cũng không được coi thường

Bướu cổ gì mà có nhiều tên quá: bệnh Basedow, bệnh cường giáp, bướu tim, bướu độc. Phải chăng bướu độc là ung thư? Nhiều bà con đã hiểu lầm. Bướu độc ở đây không phải là ung thư. Bướu ác mới là ung thư. Bệnh Basedow hay cường giáp là một. Các triệu chứng rất rầm rộ: sụt cân nhanh, hồi hộp, tim đập nhanh, nên gọi nôm na là bướu tim, mắt lộ, tính tình nóng nảy, khó ngủ. Người bệnh và người nhà thấy vậy đều sợ ung thư, nhất là hết vài năm bệnh tái lại. Thử máu thì biết bệnh, chất TSH giảm xuống, các hormone giáp T3, T4 tăng lên. Bệnh này trị khó, trị lâu nhưng trị được tốt. Có thể dùng thuốc, mổ hoặc điều trị bằng chất phóng xạ.

“Lộn xộn” cách gọi tên bướu cổ

Tuyến giáp là cơ quan tiết ra hormone giáp hết sức cần cho con người, nằm trước cổ, ngay dưới trái cổ, thường thì không thấy được. Lượng hormone giáp được tuyến yên nằm ở đáy não điều khiển, nó tiết ra một chất gọi là nội tiết kích giáp TSH. Nếu quá nhiều hormone T3, T4 được sản xuất thì gọi là cường giáp. Không đủ hormone là suy giáp thì người thấy bải hoải, mệt mỏi và lên cân. Có nhiều loại bướu lớn lên trong tuyến giáp. Phần lớn các bướu thuộc loại lành.

Vì tuyến giáp nằm sát da nên khi có sự thay đổi hình dạng hoặc kích thước thì người bệnh hoặc bác sĩ dễ thấy lắm. Thường, các bác sĩ gọi tuyến giáp lớn hơn bình thường là bướu tuyến giáp, gọi tắt là bướu giáp, bà con thì gọi là bướu cổ. Còn tên gọi khác là phình giáp, vì tuyến này chỉ phình ra chứ không phải cục u, cục bướu. Cách gọi thật là lộn xộn. Có nhiều bướu ở cổ không phải là bướu của tuyến giáp.

“Loại bướu giáp gì mà gọi là lan tỏa, có phải là ung thư lan tràn, sợ quá?”, có người lo lắng nói vậy. Nhiều thiếu nữ thấy ở cổ đầy đầy, người khỏe mạnh như thường, có khi thấy hơi vướng ở cổ. Bác sĩ nói bị bướu cổ đơn thuần dạng lan tỏa. Người có bướu không sợ lắm, nhưng bà mẹ thì băn khoăn, chắc bác sĩ giấu bệnh. Bệnh ăn lan nhiều rồi chớ gì? Không phải ung thư đâu! Bướu giáp đơn thuần là chức năng tuyến giáp bình thường, thử TSH, T3, T4 đều cho kết quả tốt. Còn lan tỏa là chỉ hình dáng của tuyến giáp lớn đều, còn gọi là phình giáp. Phình giáp có khi rất nhẹ, chỉ thấy dạng tuyến giáp trước cổ như hình hai cánh bướm. Bà con gọi là thấy “dạng dạng” vậy thôi. Có khi bướu cổ rất to, nhưng vẫn phình đều, dạng chè bè.

Vẫn phải cảnh giác ung thư tuyến giáp

Có nhiều người, nhất là các cô còn trẻ, người bình thường khỏe mạnh mà đi khám bệnh mới biết là ung thư tuyến giáp. Đừng quá lo sợ rằng bướu cổ nào cũng là ung thư, nhưng cũng không được ỷ y là mình bị bướu cổ, chắc không sao đâu!

Nên chú ý một hột chạy lên chạy xuống khi nói hoặc nuốt nằm ở trước cổ, dưới “trái cổ”, khàn tiếng hoặc nuốt khó, thở thấy vương vướng, hạch ở dọc hai bên cổ, đau nhẹ trong họng. Bác sĩ xem và làm siêu âm thì nói là bướu dạng đa nhân hay đa hạt. Có khi chỉ thấy rõ một hột thì gọi là bướu giáp đơn nhân hoặc đơn hạt. Cần để bác sĩ xem kỹ hơn. Thường thì bác sĩ siêu âm rà rất kỹ vùng trước cổ và hai bên cổ. Nếu bướu đa hạt, bác sĩ thấy hột nào khả nghi thì giải thích rõ và đề nghị thử tế bào. Bướu đơn hạt là chỉ có một hột đơn độc thì càng đáng lưu tâm hơn, bác sĩ thường khuyên thử tế bào bằng phương pháp chọc hút tế bào, gọi tắt là FNA. Dùng cây kim chích thật nhỏ, chọc nhẹ vài chỗ trong bướu để hút lấy tế bào, đau như kiến cắn thôi. Bác sĩ chuyên môn xem trên kính hiển vi. Kết quả trả lời là lành tính hoặc ác tính hoặc chưa rõ lành ác. Dựa vào đó thầy thuốc có lời khuyên về điều trị.

Nhiều người khám sức khỏe định kỳ được bác sĩ làm siêu âm ở vùng tuyến giáp thấy vài hột rất nhỏ, khoảng 2-3 mm, nghi ngờ cho thử FNA thì tìm ra được ung thư rất sớm. Bác sĩ dùng tay khám không biết được. Biết bệnh quá sớm sẽ giúp trị bệnh hiệu quả. Đây là loại nhẹ nhất trong các loại ung thư. Điều trị đúng cách thì dễ khỏi bệnh. Các phương cách trị bệnh cũng trong tầm tay thầy thuốc. Bệnh thường ở tuổi từ 18 đến khoảng 50, có thể ở tuổi nhỏ nhưng hiếm. Phụ nữ dễ bị hơn. Đối với bướu giáp dạng đa hạt thì nguy cơ ung thư chỉ khoảng 5%, còn dạng đơn hạt thì nguy cơ cao hơn nhưng cũng từ 10%-15%.

Không nên tự đắp lá, dán thuốc

Khi nói chuyện, uống nước hoặc chỉ nuốt nước miếng mà bướu trước cổ chạy lên chạy xuống dưới trái cổ thì đó là bướu giáp. Khi nguyên cả tuyến giáp lớn đều thì gọi là phình giáp lan tỏa. Cả tuyến phình lớn nhưng có chứa một hoặc vài cục, vài hột gọi là bướu giáp dạng hạt hay nhân. Hai loại bướu giáp dạng lan tỏa hoặc dạng hạt đều do sự xáo trộn của vài loại hormone. Chẳng hạn như ăn uống không đủ lượng iốt khiến có sự thay đổi về hormone gây nên bướu giáp. Các hạt hay hột trong tuyến giáp được gọi là các hạt giáp. Phần lớn các hạt này là các bọc chứa dịch gọi là nang giáp. Còn loại khác các bác sĩ gọi là bướu tuyến. Thường các hạt giáp bị quên đi vì bệnh êm ru không gây khó chịu. Bác sĩ cân nhắc, lựa chọn điều trị nội tiết bằng các hormone giáp (thường gọi là thyroxin) hoặc mổ. Đừng nghe lời bày biểu dán thuốc, đắp giặt lá cây lấy cùi, dễ bị viêm nhiễm và để sẹo trước cổ, xấu lắm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo