Rất may là được đưa đi cấp cứu kịp thời, mẹ anh L đã qua được cơn nguy kịch. Bệnh tình mẹ đã tạm ổn, anh L lại vội vã gửi gắm mẹ lại Viện rồi vội vã quay về nhà chống lụt. Bởi mưa thì đã tạnh nhưng nhà anh hiện vẫn ngập đến quá thắt lưng.
Đi đẻ bằng “thuyền” tự chế
Bế đưa con đỏ hỏn trong tay, chị Thắm (ở Tập thể Nhà Máy xà Phòng Hà Nội, Thanh Xuân) mới thở phào nhẹ nhõm. Chị vừa trải qua lần vượt cạn nhớ đời. Rạng sáng 1-11chị lên cơn đau đẻ đột ngột (sớm hơn so với dự kiến gần 1 tuần) trong khi đang lấn bấn phụ giúp mọi người chống lụt. Trong hoàn cảnh mưa lớn, nước ngập đến bụng, không chiếc taxi nào dám tiến vào sâu để đưa sản phụ đi đẻ. Những cơn đau đẻ dồn dập càng khiến cả nhà chị Thắm cuống quýt.
“Cái khó ló cái khôn” chồng chị Thắm nhanh chóng huy động toàn bộ số bình đựng nước tinh khiết (loại 25 lít) và số xốp bọt biển dùng để chèn đồ, phía trên buộc thêm tấm dát giường nhỏ. Một chiếc “thuyền” tự tạo đã xong. Chị Thắm được khênh nằm trên đó, rồi cả nhà hè nhau người đẩy thuyền, người che ô đưa chị ra đoạn đường cao, bắt xe vào bệnh viện cấp cứu. Mất hơn 2 tiếng vòng vèo các ngả đường, gần 5 giờ sáng chị mới đến được BV Phụ sản Trung ương. 30 phút sau nhập viện chị đã hạ sinh một bé gái kháu khỉnh nặng 3,8 kg. Ôm cháu ngoại vào lòng, mẹ chị Thắm cứ khóc mãi vì mừng!
Đó là hai trong những câu chuyện bi hài đã xảy ra trong mấy ngày qua, giữa lòng thành phố Hà Nội, khi trận mưa to kéo dài kỷ lục diễn ra.
BS Nguyễn Văn Chánh, PGĐ Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội - cho biết: Trong 2 ngày mưa gió vần vũ vừa qua (31/10 và 1/11), có cả trăm cuộc gọi đến Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội nhưng chỉ có trên 20 bệnh nhân được vận chuyển đến viện. Nguyên nhân chính là nhiều xe cấp cứu trên đường đi đã bị chết máy do nước ngập cao. Số bệnh nhân không quá nguy cấp chỉ còn cách làm theo tư vấn của bác sĩ qua điện thoại. Một số gia đình ở khu ngập nặng mà lại có người nhà cần cấp cứu đã phải kết bè hoặc thuê thuyền đưa bệnh nhân ra chỗ nước cạn rồi mới chuyển tiếp lên ô tô hoặc xe ôm đưa đến bệnh viện.
Bệnh viện cũng lao đao do ngập lụt
Bệnh nhân đến viện đã khốn khổ nhưng đến các bệnh viện thì cảnh tượng hỗn loạn do mưa lũ cũng đang diễn ra.
Tại BV Nhi Trung ương cho đến sáng 2-11, khu vực các hành lang vận chuyển bệnh nhân của BV vẫn mênh mông nước. Tuy nhiên, do lượng bệnh nhi đến viện vẫn khá đông (khoảng 700 cháu/ngày,đêm), nên các bác sĩ và người nhà bệnh nhi vẫn phải lội bì bõm trong thứ nước hôi hám mùi rác thải để khám và chăm sóc cho các cháu.
“Trong điều kiện môi trường ô nhiễm như hiện nay thì chỉ trong vài ngày tới, số trẻ bị mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá và hô hấp sẽ tăng vọt”, BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó giám đốc BV này cảnh báo.
Tại khu vực BV E, cả bệnh nhân và bác sĩ cũng đang phải sống chung với nước ngập.
Tất cả các bệnh nhân đang điều trị tại các khoa ở tầng 1 đều đã được sơ tán tạm thời lên tầng 2. Tuy nhiên vẫn còn 4 bệnh nhân nặng đang phải thở máy tại Khoa Cấp cứu, do không thể di dời các máy móc thiết bị lên tầng trên nên bệnh nhân đều đang nằm điều trị trên... nước.
BV Đống Đa là nơi bị ngập nặng nhất. Toàn bộ BV chìm vẫn đang mênh mông trong mực nước ngập trên 1 m.
Được biết, toàn bộ máy móc và bệnh nhân đã được chuyển lên tầng 2. Trong lúc số bệnh nhân cũ vẫn đang phải điều trị, BV lại tiếp nhận thêm một số ca tai nạn giao thông khi đi trên đường ngập.
BV Xanh Pôn, trong 3 ngày (31-10 đến 2-11) có hơn 30 bệnh nhân bị các tai nạn do đi trên đường ngập nước phải vào cấp cứu. Đặc biệt, có trường hợp 2 người lớn bị bỏng nặng do xe máy chảy xăng để trong nhà bị ngập nước bắt lửa vào cấp cứu với tỉ lệ bỏng hơn 90%.
BV Việt Đức nằm ở khu vực khá cao nên không bị ảnh hưởng bởi ngập úng. Tuy nhiên, trong 3 ngày qua, Viện này cũng phải cấp cứu trên 100 ca tai nạn giao thông, trong đó có một số bệnh nhân nặng tại các huyện đang bị lũ lụt hoành hành
Theo báo cáo từ BV Phụ sản Trung ương, trong những ngày ngày ngập lụt, mưa gió sầm sập, đã có 78 cháu bé chào đời. Ngày 1-11, Viện đã mổ cấp cứu kịp thời 3 sản phụ bị tiền sản giật nặng. Trong đó có một sản phụ được chuyển từ Thường Tín lên do trạm y tế xã bị ngập nước.
Bình luận (0)