icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bi kịch trẻ bị bỏ rơi

Bài và ảnh: Thùy Dương

Ngày 20-11, tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ đang có gần 20 trẻ bị bỏ rơi. Trong đó không ít trẻ là con của những bà mẹ chỉ... 13-14 tuổi! Tại Khoa Sơ sinh BV Nhi Đồng 2, lúc cao điểm cũng có đến 9-10 trẻ bị bỏ rơi. Những trẻ này đa số đều khỏe mạnh, xinh xắn, nhưng bi kịch cho chúng là suốt đời sẽ không biết đến người thân

Đang ngồi đợi tới lượt thăm con ở Khoa Sơ sinh Bệnh viện (BV) Từ Dũ TPHCM, chị H.T.K, 32 tuổi, được một phụ nữ ngồi cạnh nhờ ẵm con để đi vệ sinh một lát. Ba giờ đồng hồ sau, người gửi con vẫn chưa quay lại, chị K. mới tá hỏa vì biết người ta cố tình bỏ con cho mình.

Mỗi trẻ một cảnh đời

Tại BV Từ Dũ, trẻ thường được bỏ rơi trong hoàn cảnh mẹ sinh con ra bỏ con liền bằng cách trao cho người khác ẵm hoặc bỏ trẻ tại gốc cây, ghế đá trong khuôn viên BV. Ngày 20-11, có mặt tại Khoa Sơ sinh BV Từ Dũ, tôi được điều dưỡng Vũ Thị Phương Nga dẫn đến thăm một bé trai mới bị bỏ rơi. Cháu hoàn toàn khỏe mạnh và rất dễ thương. Mẹ của cháu bị câm, lúc đến sinh lại không có người thân bên cạnh nên không ai biết tên mẹ cháu.

Không được đặt tên, cũng không có tên mẹ để gọi, thế là cháu được đặt cho cái tên Vô Danh. Chị Nga cho biết hiện trong khoa có gần 20 trẻ bị bỏ rơi. Trong đó không ít trẻ là con của những bà mẹ chỉ... 13-14 tuổi! Những “bà mẹ trẻ em” này đều được bà ngoại đưa đến sinh và khi đứa trẻ vừa chào đời, cả bà ngoại và mẹ cùng bỏ đi không hẹn ngày quay lại.

Đầu tháng này, đến Khoa Sơ sinh BV Nhi Đồng 2, chúng tôi được bác sĩ Trưởng khoa Trần Thị Hoa Phượng hướng dẫn đến chỗ nằm của 3 bệnh nhi bị bỏ rơi. Do chưa được người sinh ra đặt tên, nên các cháu chỉ được gọi đơn giản là “con bà T.”, “con bà K.”... Các trẻ ở đây đều có những số phận riêng.

Như “con bà N.T.L”, khi vào nằm thì cùng có người anh-em song sinh, nhưng chỉ vài ngày thì đứa anh-em này qua đời vì nhiễm trùng huyết, một mình bé ở lại trên đời, không người thân... “Con bà L.T.T”, 2 tháng tuổi, ngụ ở TPHCM, thì khác. Ngay khi chào đời, T. được bà nội và ba ghé thăm liên tục. Nhưng khi biết T. bị dị tật bẩm sinh, cả ba và bà nội bé đều bỏ đi!

Đã nhiều năm làm ở Khoa Sơ sinh, chứng kiến nhiều trẻ sinh ra bị bỏ rơi, bác sĩ Hoa Phượng ấn tượng nhất về trường hợp bé gái được một thanh niên nhặt được đưa đến trong tình trạng bị chuột cắn gần hết các ngón chân, ngón tay, thậm chí có cả dòi bò bu quanh vết thương.

Bác sĩ Phượng cho biết mỗi lần nhắc lại trường hợp này chị đều thấy nhói đau trong lòng. Chị nói: “Cô bé có một gương mặt rất xinh đẹp. Lạ một điều là dù các ngón tay, ngón chân bị chuột cắn nhưng gương mặt bé lại không có một vết trầy xước”. Sau nhiều ngày điều trị tại BV Nhi Đồng 2, cháu được chuyển đến một cô nhi viện trong TP. Mấy tháng sau, cháu được một cặp vợ chồng nước ngoài nhận làm con nuôi.

Làm đơn xin bỏ con

Tại BV Từ Dũ, nhiều trường hợp mẹ muốn bỏ con ngay từ lúc mang thai nhưng do thai lớn quá nên đành phải để sinh. Những đứa bé này khi sinh ra rất khỏe mạnh, hình hài bình thường, nên nhân viên y tế của BV liên hệ với người nhà để kêu mang cháu về, tuy nhiên nhiều người vẫn kiên quyết bỏ con. Theo yêu cầu của BV, những bà mẹ này ngồi viết một lá đơn “xin bỏ con”.

Bác sĩ Hoa Phượng cho biết, theo quy định BV, những trẻ bị bỏ rơi dù đã khỏi bệnh nhưng khi cô nhi viện chưa nhận thì vẫn phải nằm lại để chờ. Các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa đều cảm nhận trẻ bị bỏ rơi cũng biết thân phận của chúng, lúc chưa bị bỏ còn quấy khóc, chứ lúc không còn người thân nào bên cạnh, chúng nằm yên rất ngoan ngoãn. Đến cữ bú, do các cô bận công việc chưa xong, chúng vẫn nằm im chờ đợi.

Nhiều cháu đến tận 6 tháng tuổi mới được chuyển vào cô nhi viện. Lúc ấy, áo sơ sinh của BV không còn mặc vừa. Không có quần áo cho cháu mặc, nhân viên trong khoa phải đi xin quần áo cũ về cho cháu. Dịp lễ tết, các cô không quên sắm cho các cháu vài bộ quần áo mới, mong bù đắp phần nào sự thiệt thòi cho những trẻ bất hạnh này.

Không có cha mẹ là nỗi đau khôn nguôi

Tại BV Nhi Đồng 2, những trường hợp không thể trả được viện phí đều được BV linh động miễn giảm để người nhận có thể đưa trẻ về. Theo quy định, trong 3 ngày mà trẻ không được người thân đến nhận thì khoa phải làm thủ tục để công nhận trẻ đó bị bỏ rơi.

Quy định là thế, nhưng các bác sĩ trong khoa đều kéo dài thêm cả tuần, nửa tháng để đợi người thân các cháu đến, thậm chí tìm đủ cách để liên lạc với địa chỉ để lại nhưng thường thì vô ích vì những thông tin này rất mơ hồ. Ai cũng hiểu rằng, với một đứa trẻ không có gì tốt đẹp và hạnh phúc hơn khi được lớn lên trong vòng tay của bố mẹ.

Trong một chương trình thời sự mới đây trên truyền hình, một người đàn ông trạc 50 tuổi dù đã có cuộc sống khá sung túc nhưng vẫn tỏ ra rất buồn khi không biết cha mẹ mình. Ông bảo: “Không có cha mẹ vẫn là nỗi đau khôn nguôi của tôi”.

Không phải vì khó khăn mà bỏ rơi con

Bác sĩ Trần Thị Hoa Phượng cho biết, gần như lúc nào trong khoa cũng có trẻ bị bỏ rơi, lúc cao điểm lên tới 9-10 trẻ. Một điều không giải thích được là hầu hết những trẻ bị bỏ rơi lại là con trai, hiếm hoi lắm mới thấy một bé gái. Không phải các cháu bị bỏ rơi là do bị dị tật, mắc bệnh hiểm nghèo mà rất nhiều cháu chỉ mắc bệnh nhẹ hoặc chỉ do sinh non, nhìn rất kháu khỉnh, xinh đẹp... Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đa số những người bỏ rơi con là người mẹ bị cưỡng bức, lầm lỡ, chứ không phải vì cuộc sống khó khăn mà bỏ rơi con.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo