Theo các chuyên gia, thói quen sử dụng điện thoại, sinh hoạt thiếu khoa học, áp lực công việc... khiến nhiều người trẻ mất ngủ.
Nhiều hệ lụy do mất ngủ
Anh Trần Hùng (37 tuổi, ngụ quận 12, TP HCM) chia sẻ là người làm sáng tạo nội dung khiến anh thường xuyên phải làm việc trên các thiết bị điện tử, căng thẳng, mệt mỏi nên giờ giấc sinh hoạt đảo lộn. "Tôi có thói quen thường tập trung làm việc vào ban đêm nên phải thức khuya, ban ngày ngủ bù. Tuy nhiên, cơ thể gần đây luôn cảm thấy uể oải, mệt mỏi" - anh Hùng nói.
Anh Hùng cho biết do không tập trung được trong công việc, người luôn mơ màng nên anh đến bệnh viện thăm khám. Tại bệnh viện, may mắn anh được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn để cải thiện tình trạng bằng cách thay đổi lối sống. Sau gần 3 tháng kiên trì đến nay, đồng hồ sinh học đã trở lại gần giống với bình thường.
Xem nhiều thông tin từ điện thoại khiến người trẻ dễ mất ngủ hoặc ngủ không ngon Ảnh: BẢO LÂM
BS CK1 Nguyễn Trần Như Thủy - Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 3) - cho biết mất ngủ là một rối loạn về giấc ngủ khá phổ biến trong xã hội hiện đại bao gồm các biểu hiện: khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu, dễ thức giấc và khó trở lại giấc ngủ, cảm giác ngủ không đủ, uể oải mệt mỏi sau khi ngủ dậy, khó tập trung ảnh hưởng cuộc sống.
Nếu các dấu hiệu này xuất hiện trong vòng 1 tháng được gọi là mất ngủ cấp tính, nếu kéo dài hơn 1 tháng là mạn tính. Mất ngủ là một triệu chứng đa nguyên nhân, đa cơ chế, xuất hiện không chỉ ở người lớn tuổi mà cả những người trẻ, trong đó có cả trẻ nhỏ. Nếu mất ngủ kéo dài có thể gây trầm cảm, làm nặng hơn tình trạng của các bệnh nền hiện mắc như các bệnh về tim mạch, tiêu hóa. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như khả năng làm việc của người bệnh.
Đi ngủ và thức dậy vào giờ cố định
Bác sĩ Lý Trúc Ly, Khoa Y ĐHQG TP HCM, cho biết để phòng ngừa mất ngủ, theo bác sĩ Ly, cần đi ngủ và thức dậy vào giờ cố định. Đối với trẻ em, hãy đặt ra giờ đi ngủ và thói quen đi ngủ cố định. Cố gắng duy trì thời gian ngủ giống nhau vào các buổi tối trong tuần và cuối tuần. Giới hạn sự khác biệt không quá một giờ. Thức khuya và ngủ muộn vào cuối tuần có thể làm gián đoạn nhịp thức - ngủ của cơ thể. Do đó, khoảng một giờ trước khi đi ngủ, hãy để cơ thể được thư giãn. Tránh tập thể dục cường độ cao và ánh sáng chói từ màn hình tivi hoặc máy tính, điện thoại. Tránh ăn nhiều trong vòng 3-4 giờ trước khi đi ngủ (có thể ăn nhẹ); tránh đồ uống có cồn hoặc uống nhiều nước trước khi đi ngủ; không uống cà phê vào buổi chiều; dành thời gian hoạt động thể chất; tránh lo âu...
Theo bác sĩ Ly, bí quyết để có giấc ngủ ngon và chất lượng, chúng ta không ngủ quá sớm (trừ khi quá mệt mỏi hoặc thiếu ngủ). Nên đi ngủ lúc 21-22 giờ, không lên giường ngủ quá sớm vì dễ rơi vào tình trạng trằn trọc và gián đoạn giấc ngủ.
Bên cạnh đó, không đi ngủ quá khuya, vì dễ dẫn tới tình trạng ngủ không sâu, không đủ giấc, mệt mỏi khi thức dậy. Đi ngủ và thức dậy vào khung giờ cố định. Tập thể dục đều đặn, mỗi ngày dành ít nhất 30 phút để hoạt động thể chất. Tắm nước nóng trước khi ngủ 1-2 giờ trong khoảng 20 phút cũng giúp bạn dễ ngủ hơn.
Trẻ em cũng dễ mất ngủ
Lý giải về việc không chỉ người lớn tuổi mới mất ngủ mà trẻ em cũng mắc tình trạng này, bác sĩ Lý Trúc Ly cho biết nguyên nhân dẫn đến rối loạn giấc ngủ ở trẻ em phổ biến nhất là ngủ muộn, thời gian ngủ không đủ.
"Bởi thực tế, trẻ em hiện nay cũng áp lực về học tập rất nhiều. Không chỉ học trên trường, các bạn nhỏ vẫn phải học thêm, học các lớp năng khiếu. Thậm chí, nhiều trẻ còn có sở thích nghịch điện thoại, chơi game, xem ti vi đến khuya" - bác sĩ Ly phân tích.
Bình luận (0)