Tại buổi gặp gỡ, động viên nhân viên ngành y tế TP HCM ngày 5-8, nhiều bác sĩ tuyến cơ sở cho đến bệnh viện đã chia sẻ tâm tư cùng lãnh đạo thành phố. Bác sĩ Đỗ Thị Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận 1 – người đã có 27 năm gắn bó với y tế cơ sở - cảm thấy ấm lòng khi được sự quan tâm và động viên của lãnh đạo thành phố.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi gặp gỡ, động viên nhân viên ngành y tế thành phố ngày 5-8
Bác sĩ Tân cho biết công việc của nhân viên tại trung tâm y tế rất thầm lặng. Chỉ đến khi dịch Covid-19 xảy ra mới thấy vai trò quan trọng của y tế cơ sở. Thực trạng hiện nay là không chỉ lương thấp mà cơ sở vật chất tại Trung tâm Y tế quận 1 cũng khó khăn.
"Nên đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm y tế, trong đó có quận 1, để tập trung vào 1 mối cho dễ quản lý, hoạt động. Bên cạnh đó, cần có chính sách, cơ chế lâu dài để nhân viên gắn bó. Như vậy, nếu không đầu tư cơ sở vật chất, không đầu tư người thì sẽ theo vòng lẩn quẩn" - bác sĩ Tân nhìn nhận.
Theo bác sĩ Tân, hiện quận 1 có 67 người tại các trạm y tế nhưng phải gánh 29 đầu việc, từ điều trị cho đến dự phòng. "Hiện tại, bệnh viện cũng nhiều khó khăn nhưng ở tuyến cơ sở khó khăn gấp 10 lần. Hầu như chúng tôi chỉ có lương. Riêng tôi gắn bó 27 năm là vì yêu nghề và muốn chia sẻ khó khăn với anh em tại y tế cơ sở. Thời gian qua, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện cho đến nay, các em làm quần quật ngày này qua ngày nọ, cả thứ 7, chủ nhật nhưng chưa được đền đáp xứng đáng" – bác sĩ Tân trải lòng.
Bác sĩ Tân cho rằng lương thấp nên sức hút bác sĩ về tuyến cơ sở cũng rất ít. Trung tâm Y tế từng tự đào tạo bác sĩ tại chỗ nhưng đào tạo xong thì bác sĩ cũng lẳng lặng ra đi. Thậm chí, có một số bác sĩ trẻ xin về làm được 1 thời gian ngắn cũng nghỉ.
Từ tháng 10 đến nay, Trung tâm Y tế quận 1 có 21 người nghỉ, thậm chí có phòng nghỉ hết. Có người làm 5-6 năm, thậm chí 10 năm, cũng vẫn xin nghỉ. Mặc dù có nhận lại người mới nhưng trung tâm cũng gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm.
Về Nghị quyết 01, bác sĩ Tân cho biết đã có 10 bác sĩ trẻ mới ra trường về 10 trạm y tế trên địa bàn. Tuy nhiên, với chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia, họ không thể hỗ trợ vì 1 tuần chỉ có 3 ngày ở lại trạm, còn lại ở bệnh viện. Nếu tham gia chương trình thì phải thường xuyên, liên tục mới đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe.
"Chúng ta nên có sự đầu tư thực sự và có nguồn kinh phí cho tuyến cơ sở để các em vững tâm làm nghề" – bác sĩ Tân nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), xúc động cho hay bà có 2 con vừa trở thành bác sĩ. "Tôi nhắc nhở con rằng muốn làm giàu thì chọn ngành khác chứ không phải ngành y. Chúng tôi làm nghề y không phải vì muốn giàu nhưng mức lương phải tương đối, đủ để trang trải cuộc sống. Với lương của bác sĩ trẻ mới ra trường chỉ 7-8 triệu đồng/ tháng thì không đủ để sống tại TP HCM" – bác sĩ Tuyết bật khóc.
Bác sĩ Tuyết bày tỏ nếu như hiện nay, 1 tháng, 1 năm hay 5 năm, họ có thể cố gắng nhưng 10 năm, 20 năm thì sẽ không thể bền bỉ. Theo bà, lương ngành y còn trói buộc nhiều chính sách nhưng mong thành phố có những phương án hỗ trợ nhân viên y tế và nhất là giúp họ cảm thấy hãnh diện khi làm việc tại ngành y tế thành phố.
"TP HCM có nhiều lo toan, nhiều việc phải chi tiền nhưng nên chăng, cần có sự lo toan hơn cho ngành y. Nếu nhân viên y tế nghỉ việc hết thì ai sẽ chăm sóc sức khỏe người dân?" - bác sĩ Tuyết tâm tư.
Tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ với những tâm tư của các y - bác sĩ. Ông trăn trở rằng lâu nay, khi người dân bệnh thì bác sĩ lo nhưng khi bác sĩ "không khỏe" thì ai lo? Ông mong muốn được chia sẻ và thấu hiểu những khó khăn của ngành y.
"Tôi biết cuộc gặp gỡ thế này không có đủ thời gian để tâm sự hết trong bối cảnh hiện nay. Nhưng không có cách nào khác hơn, chúng ta cùng nghe, bàn và đưa ra giải pháp. Hôm nay tôi muốn thật sự lắng nghe" - ông Nguyễn Văn Nên nêu rõ.
Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng đại dịch Covid-19 đi qua đã để lại nhiều bài học quý giá, đặc biệt là thử thách lớn với người thầy thuốc. Đại dịch cũng để lại sang chấn về tinh thần, tâm lý, tình cảm. Để có được hôm nay, chúng ta đã phải dương đầu với thử thách sinh tử và những người chiến sĩ áo trắng đã hy sinh cho cuộc chiến này - cuộc chiến chưa có tiền lệ.
"Chúng ta đón nó, đối diện và vượt qua nó, cũng giống như con người vượt qua cơn bão, cho đến khi dừng lại, nhìn lại mới thấy kẻ còn người mất. Tuy nhiên, đến giờ này, chúng ta rút ra nhiều bài học, trong đó có ý chí, tình người. Thay mặt lãnh đạo thành phố, chúng tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc tới những chiến sĩ áo trắng" – ông Nguyễn Văn Nên bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết hiện tại, dịch sốt xuất huyết đã trở lại và không đơn giản như trước. Vì vậy, chúng ta không thể xem thường. Bên cạnh đó, thế giới hiện nay còn xuất hiện thêm bệnh đậu mùa khỉ - chỉ cách chúng ta hơn 1 giờ bay.
"Lo cái này chưa xong thì cái khác tới, ngành y tế luôn canh cánh áp lực. Không chỉ vậy, chúng ta còn phải có sứ mệnh lo cho hơn 10 triệu người dân. Do đó, đòi hỏi ngành y phải tiếp tục chiến đấu, xoay xở để vượt qua" - Bí thư Thành ủy TP HCM nhìn nhận
Theo ông Nguyễn Văn Nên, chính sách chăm lo cho ngành y hiện còn bất cập. Ngành y tế đang đứng trước thử thách không tên. Vì vậy, chúng ta cần phải chỉ mặt đặt tên để vượt qua. Câu hỏi đặt ra là ngành y tế cần làm gì, lãnh đạo TP làm gì, các cơ quan làm gì, người dân làm gì…?
"Điều này sẽ là hành động cụ thể. Chúng tôi mong các anh chị em ngành y tế đừng thấy mình đơn độc, chúng tôi luôn sát cánh cùng các đồng chí" - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh
Bình luận (0)