Theo bác sĩ (BS) Phan Thái Hảo - Trưởng Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM - những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nguy kịch, hay có bệnh nền tim mạch sau khi khỏi Covid-19 thường khó tránh tình trạng biến chứng tim mạch.
Nguy cơ viêm tim cấp
Anh N.T.V, 32 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh (TP HCM) mắc Covid-19 vào giữa tháng 10-2021, khởi đầu chỉ có triệu chứng nhẹ là ho và sốt. Một tuần sau anh V. cảm thấy khó thở, SpO2 (nồng độ ôxy trong máu) chỉ còn 93%, anh không thể tự thở mà phải thở ôxy qua mũi. Hơn một tuần sau, anh V. khỏi Covid-19, song thường xuyên bị những cơn đau tức ngực, có lúc anh V. nghe tim đập mạnh như tiếng trống, cảm giác rất mệt mỏi. Anh V. đã đi bệnh viện khám và được chẩn đoán rối loạn nhịp tim do hậu Covid-19. Anh V. được cho thuốc uống nhưng hiện nay tình trạng bất ổn của tim mạch vẫn chưa khỏi.
Bác sĩ Trần Thị Tuyết Lan đang thăm khám cho 1 người bệnh hậu Covid-19 bị biến chứng tim mạch. (Ảnh do bác sĩ cung cấp)
BS Phan Thái Hảo cho biết tình trạng như anh V. chiếm đa số ở những trường hợp sau khỏi Covid-19. Có những người phải chịu tổn thương tim lâu dài, phải điều trị từ 3 đến hơn 6 tháng vẫn chưa khỏi cảm giác mệt và rối loạn nhịp tim.
Theo BS Hảo biến chứng tim mạch hậu Covid-19 không hẳn chỉ xảy ra ở những người mắc Covid-19 nặng nguy kịch, hay có bệnh nền tim mạch. Mà cá biệt ở những bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng vẫn có thể mắc những di chứng nguy hiểm về tim mạch. Bệnh nhân có thể bị suy tim, dẫn đến tình trạng ngộp thở khi đang ngủ ban đêm. Nếu không phát hiện kịp thời những biến chứng tim mạch, bệnh nhân có thể bị viêm tim cấp dẫn đến tử vong.
Chống đông máu thích hợp
BS Trần Thị Tuyết Lan - chuyên khoa Nội tim mạch, Viện Tim TP HCM - cho biết nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 thường khó tránh viêm phổi và tổn thương cơ tim cấp tính như viêm cơ tim, hay tổn thương mạn tính hệ tim mạch như xơ hóa mô kẽ cơ tim, viêm mạch máu, thuyên tắc huyết khối và rối loạn nhịp tim.
Theo BS Lan, tổn thương cơ tim trực tiếp là do SARS-CoV-2 và gián tiếp do "bão cytokine" gây viêm và hoại tử các tế bào cơ tim và hậu quả là suy tim. Triệu chứng viêm cơ tim có thể từ nhẹ đến rất nặng như mệt, khó thở tùy mức độ suy tim, sưng chân, tim đập nhanh, đau ngực. Khi bệnh nhân được làm siêu âm tim thì thấy tim giãn lớn, các thành tim giảm động, phân suất tống máu thất trái giảm và tăng áp động mạch phổi.
Tác dụng phụ của thuốc chống virus, thuốc kháng sinh, tình trạng giảm ôxy máu, rối loạn điện giải khi mắc Covid-19 sẽ làm nặng thêm các rối loạn nhịp tim sẵn có. Các rối loạn nhịp tim thường gặp là rung nhĩ, cơn nhịp nhanh thất không kéo dài, ngừng tim và nhịp tim chậm.
Quá trình tổn thương tế bào nội mạc mạch máu và viêm mạch máu do SARS-CoV-2 cũng làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối (cục máu đông) trong lòng mạch máu và gây thuyên tắc mạch máu do huyết khối. Các biến cố huyết khối thường gặp ở bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, phải thở máy. Thuyên tắc huyết khối ở các vị trí nguy hiểm đều có thể dẫn đến đột tử như thuyên tắc động mạch phổi, nhồi máu cơ tim cấp.
"Tùy theo nghi ngờ chẩn đoán là thuyên tắc phổi hay nhồi máu cơ tim cấp mà bệnh nhân được chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt (MSCT) động mạch phổi cản quang hay chụp động mạch vành, qua đó sẽ có điều trị chống đông máu thích hợp và kịp thời theo nguyên nhân gây bệnh, giúp người bệnh qua cơn nguy kịch" - bác sĩ Lan nói.
Bình luận (0)