Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, đặc biệt thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hạn chế tình trạng quảng cáo quá mức, quảng cáo chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm thực phẩm đến với người tiêu dùng, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, cho biết cơ quan này sẽ thông báo và cập nhật liên tục trên các trang thông tin chính thống về các loại thực phẩm chức năng (TPCN), doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong quảng cáo và pháp luật về ATTP để người dân biết và không mua các sản phẩm này.
Một mẫu quảng cáo TPCN với những mỹ từ như “đặc trị 100%” hay “khỏi hoàn toàn sau 1 liệu trình“.
Bên cạnh đó, Cục ATTP sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra và chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành y tế tại các địa phương xử lý nghiêm các vi phạm, bổ sung hình thức xử phạt bằng thu hồi giấy phép đối với các cơ sở vi phạm, đồng thời nghiên cứu sửa Nghị định 15/2018/NĐ-CP theo hướng các công ty kinh doanh TPCN phải có kho hàng, địa chỉ... phải được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Theo lãnh đạo Cục ATTP, hiện nay, các tổ chức, cá nhân chỉ cần thuê một chỗ ngồi ở một tòa nhà là có thể đăng ký kinh doanh. Từ đăng ký kinh doanh này, họ đăng ký sản phẩm và thuê gia công sản xuất ở một nhà máy thực hành sản xuất tốt (GMP) là Bộ Y tế phải tiếp nhận đăng ký, đến khi hậu kiểm tại địa chỉ họ đăng ký thì ở đó chỉ có một bộ bàn ghế, không có nhân viên...
Trước đó, sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP, tại thông báo kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện việc rà soát, lập danh mục các quảng cáo sai sự thật, phản cảm trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng, quảng cáo và bán hàng đa cấp các loại TPCN, thuốc không rõ nguồn gốc và có nguy cơ không bảo đảm ATTP, có biện pháp xử lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo công khai và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật, nội dung quảng cáo phản cảm các loại TPCN, thuốc trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Hiện nay, rất nhiều sản phẩm TPCN, thực phẩm bổ sung được quảng cáo sai công dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có sản phẩm chưa được lưu hành nhưng đã rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Có quảng cáo trên online còn để lại số điện thoại, khi khách hàng gọi đến để được tư vấn, nhân viên tư vấn dọa nạt theo nội dung bệnh đang tiến triển nặng, phải dùng thuốc nọ, thuốc kia...
Bình luận (0)