icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bổ sung men vi sinh: Coi chừng tiền mất, tật mang

Theo An Quý (Phụ Nữ TPHCM)

Trong y tế, men vi sinh là một sản phẩm không đòi hỏi các tiêu chuẩn nghiêm ngặt như các sản phẩm kê toa khác. Mặc dù vậy, dùng men vi sinh không đúng không chỉ tốn tiền vô ích mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Không đúng chủng loại, không đủ hàm lượng
 
PGS-TS Nguyễn Hữu Đức - ĐH Y Dược TPHCM cho biết, để một sản phẩm men vi sinh (MVS) có hiệu quả cao, người ta phải chú ý đến những yếu tố sau: các chủng vi sinh vật phải an toàn và được công nhận bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO). Các chủng này phải sống được khi sản xuất, bảo quản, chịu được acid dạ dày và muối mật; tại ruột, các chủng này phải được phóng thích tốt để phát huy tác dụng chữa trị rối loạn đường tiêu hóa như nôn ói, ỉa chảy, táo bón, chướng bụng, khó tiêu…
 
Theo TS-BS Phạm Hùng Vân - ĐH Y Dược TPHCM, gần đây, qua một khảo sát ngẫu nhiên ở phạm vi nhỏ, ông cùng một nhóm nghiên cứu phát hiện nhiều điều “rất lý thú” về một số chế phẩm MVS (probiotic). TS Vân kể: “Chúng tôi đã tiến hành kiểm nghiệm bảy mẫu sản phẩm MVS được bán rộng rãi trên thị trường, hầu hết, đều không đạt. Nhiều sản phẩm công bố trên nhãn là chủng vi khuẩn (VK) này nhưng khi định danh, chúng tôi phát hiện ra là chủng khác. Hoặc nhãn công bố sản phẩm có rất nhiều chủng VK sống, nhưng khi kiểm nghiệm, chúng tôi không phát hiện ra bất cứ một loại VK nào hoặc chỉ định danh được một loại VK mà thôi”.
 
TS Vân đã tiến hành thí nghiệm trên một sản phẩm có tên L. (do Pháp sản xuất vào năm 2008) bằng cách lấy một gói sản phẩm pha vừa đủ trong 10 ml nước muối sinh lý vô trùng, sau đó nuôi cấy và định danh bằng giải trình tự gien. Mặc dù sản phẩm công bố có sử dụng chủng VK Lactobacillus acidophilus với hàm lượng 10 x 109/gói nhưng qua nuôi cấy, ông không phát hiện ra bất cứ một con VK nào.
 
img
Các sản phẩm men vi sinh được bán tự do ở các nhà thuốc như một loại
“thuốc bổ” đường ruột (ảnh chỉ mang tính minh họa)
 
Cũng theo TS Vân, qua kiểm nghiệm bằng các phương pháp giải trình tự gien và định lượng, ngoài một vài sản phẩm có hàm lượng bị suy giảm còn có sản phẩm không đúng chủng vi sinh như công bố trên nhãn. Trong 10 sản phẩm khảo sát, ghi thành phần là chủng B. subtilis có đến bốn sản phẩm chứa chủng Bacillus khác.
 
Ví dụ, trên nhãn công bố của sản phẩm B.S. do một công ty dược trong nước sản xuất là chủng VK Bacillus subtilis, nhưng qua kiểm nghiệm, phát hiện ra chủng khác có tên là Bacillus cereus. Trong khi đó, Bacillus cereus là một VK có nguy cơ gây bệnh tiêu hóa do có nhiều dòng mang độc chất, có thể gây nôn ói và tiêu chảy sau khi nuốt 30 phút, nên nó không được phép có mặt trong thực phẩm ăn liền.
 
Hơn thế nữa, để khắc phục tình trạng rối loạn VK đường ruột, cần phải có một lượng lớn VK probiotic xuống được đến ruột mà không bị hủy bởi acid dạ dày, đồng thời tăng sinh được trong ruột. Các chế phẩm MVS sẽ không có hiệu quả điều trị nếu không đạt được 109 trong mỗi lần uống. Vì vậy, các chế phẩm không dư hàm lượng, rất khó phát huy tác dụng.
 
Gây rối loạn tiêu hóa
 
Thực tế, nhiều bà mẹ tự ý “kê toa” bổ sung MVS cho con với suy nghĩ nếu không có lợi thì cũng chẳng hại gì. TS Đức lưu ý, nhiều loại MVS không có tác dụng vì VK có lợi khó sống khi sản xuất và bảo quản, chết hầu hết khi bị tác dụng bởi acid dạ dày và muối mật.
 
“MVS thường được bệnh nhân sử dụng theo hai cách, hoặc do sự truyền miệng, hoặc theo thói quen sử dụng lại toa thuốc cũ. Chính vì vậy dễ dẫn đến những điều lầm lẫn khi sử dụng MVS trong từng trường hợp rối loạn tiêu hóa cụ thể. Khi có những triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, nôn ói, bác sĩ căn cứ trên tình trạng lâm sàng và tiền sử của bệnh nhân, để chỉ định dùng MVS. Một số MVS bị chống chỉ định khi dùng chung với kháng sinh” - BS CK II Lê Kim Sang - Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Cấp cứu Trưng Vương nói.
 
Trong ruột con người hiện diện rất nhiều loại VK (tạp khuẩn ruột) có VK gây bệnh và VK có ích. Các VK có ích giúp tiêu hóa tốt, tổng hợp các vitamine nhóm B và vitamine K… đặc biệt giúp cân bằng không cho VK có hại phát triển quá mức sẽ gây bệnh. Vì nhiều lý do (vệ sinh an toàn thực phẩm kém, uống quá nhiều bia rượu, dùng quá nhiều thuốc nhất là kháng sinh, stress…), sự cân bằng đó bị đảo lộn, đưa đến những rối loạn đường ruột như: tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng, giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng…
 
Theo TS Đức, mặc dù MVS có trong thực phẩm tự nhiên như sữa chua, dưa chua, kim chi… rất có lợi cho hệ tiêu hóa, tuy nhiên không đủ lượng VK có lợi trong những trường hợp này, nên người ta cần bổ sung thêm dược phẩm hoặc thực phẩm MVS. TS Đức khuyến cáo thêm, đối với MVS sử dụng chủng VK không thường trú trong ruột như nấm men, thì không nên sử dụng lâu dài. Và MVS không nên sử dụng đối với bệnh nhân bị viêm tụy cấp hay phẫu thuật ruột.
 
Với những sản phẩm MVS có chủng VK đạt chuẩn, người sử dụng cũng phải theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Các chuyên gia đều khuyến cáo, không nên sử dụng MVS lâu dài nếu không có chỉ định.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo