Vi chất dinh dưỡng (VCDD) cần thiết cho tăng trưởng, phát triển trí tuệ, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng, góp phần phòng chống dịch Covid-19.
Suy dinh dưỡng thấp còi vẫn ở mức cao
VCDD là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. Theo GS-TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, VCDD gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...). Những chất này có nhiều trong thức ăn có nguồn gốc động vật, thực vật rất phong phú và đa dạng ở Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ do chưa hiểu biết đúng về vai trò cũng như là nhu cầu của VCDD nên đã cho trẻ uống bổ sung không đúng và nếu thừa cũng có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo GS Tuyên, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỉ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em đã giảm nhanh và bền vững. Việt Nam đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các VCDD khác ngày càng được cải thiện; kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng của người dân ngày càng được nâng cao…. Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như tỉ lệ SDD thấp còi và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng.
SDD thấp còi và thiếu VCDD là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Ngoài ra, thiếu VCDD còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn. Trong khi đó việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động mới chỉ đạt kết quả bước đầu.
Cho trẻ uống vitamin A, hưởng ứng ngày “Vi chất dinh dưỡng” năm 2019 Ảnh: Viện Dinh dưỡng
Các biểu hiện của thiếu VCDD
Tiến sĩ - bác sĩ Cao Thị Hậu - Nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho biết trong một báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, trẻ em Việt Nam từ 6 tháng đến 12 tuổi thiếu vi chất nghiêm trọng. Có hơn 50% trẻ em thiếu hụt các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hằng ngày, điều đó cho thấy bữa ăn truyền thống chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em trong giai đoạn phát triển rất nhanh. Trong đó, thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt là tình trạng thường gặp ở trẻ. Khi bị thiếu máu, trẻ thường có biểu hiện da xanh, niêm mạc môi, lưỡi, mắt nhợt nhạt. Trẻ kém hoạt bát, học kém, thiếu tập trung hay buồn ngủ.
Còi xương do thiếu canxi và vitamin D: Trong cơ thể canxi có vị trí đặc biệt, 98% canxi nằm ở xương và răng, vì vậy canxi rất cần thiết đối với trẻ em có bộ xương đang phát triển. Bệnh còi xương ở trẻ em chủ yếu là do thiếu vitamin D. Khi thiếu vitamin D sẽ làm giảm hấp thu canxi ở ruột, cơ thể sẽ huy động canxi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương. Biểu hiện sớm của còi xương là trẻ hay quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên giấc, hay ra mồ hôi trộm, rụng tóc, thóp rộng chậm liền, bờ thóp mềm, đầu to, răng mọc chậm, lồng ngực dô, chậm biết ngồi, biết đi, biến dạng xương (chân vòng kiềng, chữ bát). Các biến dạng của xương làm giảm chiều cao của trẻ.
Bướu cổ do thiếu i-ốt: i-ốt là VCDD rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, cần cho tổng hợp hormone tuyến giáp, duy trì thân nhiệt, phát triển xương, quá trình biệt hóa và phát triển của não và hệ thần kinh trong thời kỳ bào thai. Khi cơ thể bị thiếu i-ốt, tuyến giáp làm việc nhiều hơn để tổng hợp thêm nội tiết tố giáp trạng nên tuyến giáp to lên, gây ra bướu cổ. Trẻ bị thiếu i-ốt chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng, học kém, thiếu nặng trẻ có thể bị đần độn. Các thực phẩm có nhiều i-ốt là các loại cá biển, rong biển, rau cải xoong, tảo...
SDD thấp còi do thiếu kẽm bởi thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn, SDD và chậm phát triển chiều cao. Thực phẩm có nhiều kẽm gồm: lòng đỏ trứng gà, so, trai, hến, lươn, ốc, củ cải, đậu tương (đậu nành)...
Ngoài ra, vitamin A có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ, giúp trẻ lớn và phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ các biểu mô giác mạc, da, niêm mạc. Khi thiếu, trẻ chậm lớn, còi cọc, hay bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, thiếu nặng sẽ bị khô loét giác mạc, dẫn đến mù lòa. Các thực phẩm có nhiều vitamin A như: thịt, gan, trứng gà, sữa, lươn... Rau xanh, quả có màu vàng, đỏ (gấc, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ) có nhiều beta caroten (tiền vitamin A).
Để phòng thiếu VCDD cần: ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm; Ưu tiên lựa chọn các thực phẩm giàu VCDD. Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm có bổ sung VCDD. Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Sử dụng các thực phẩm giàu VCDD cho bữa ăn bổ sung của trẻ. Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A...
Hàng triệu trẻ được uống vitamin
Viện Dinh dưỡng cho biết hằng năm, có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi và tẩy giun cho trẻ từ 24-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có nguy cơ cao, bổ sung uống vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi tại 41 tỉnh mỗi năm 2 lần, bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống 1 liều vitamin A, đồng thời việc bổ sung vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã/phường trong toàn quốc. Theo kế hoạch, sẽ có hơn 6 triệu trẻ dưới 5 tuổi được uống vitamin A, hàng triệu trẻ từ 24-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh khó khăn được tẩy giun. Trong ngày 1 và 2-6, các bà mẹ đưa trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã/phường.
Bình luận (0)