Sáng 2-8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị trực tuyến kết nối đến hơn 700 điểm cầu trong cả nước và tập huấn về tăng cường công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng chống Covid-19 tại điểm cầu Bộ Y tế ở TP HCM.
Lãnh đạo TP HCM và Bộ Y tế khảo sát thực tế tại các điểm thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực- Ảnh: Khôi Nguyễn
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế nhìn nhận chỉ trong thời gian rất ngắn, số ca mắc Covid-19 đã tăng rất cao. Một số địa phương chưa chuẩn bị kịp dù Bộ Y tế đã cảnh báo nhiều lần. Biến thể Delta lây nhanh, mạnh, lan rộng và khó kiểm soát, không những thế còn kéo dài. Đợt dịch này, rất khó đưa số ca mắc về con số 0, nhất là những địa bàn đang ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như TP HCM và một số địa phương khác.
"Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị cho một trận chiến không những phải nhanh hơn, mạnh hơn mà còn phải bền bỉ. Trong thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục công cuộc phòng chống dịch"- ông Long nói.
Bộ trưởng Y tế đánh giá từ thực tế kiểm tra, báo cáo cho thấy có nhiều bài học, kinh nghiệm được rút ra. Thành công của tỉnh này, thất bại của tỉnh khác là bài học cho các địa phương còn lại tiếp thu, rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho địa phương mình. "Làm sao khi dịch xảy ra như Thủ tướng đã nói là không có hoảng loạn, không ngỡ ngàng, không hoang mang"- Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, qua kiểm tra thực tiễn công tác phòng chống dịch tại nhiều địa phương và nghe báo cáo, hầu hết tại nhiều địa phương, kịch bản chuẩn bị đều thấp hơn thực tế, có địa phương chuẩn bị kịch bản cao nhưng cũng chưa tính hết thực tế. Vẫn chưa chuẩn bị chu đáo cho phòng chống dịch. Còn thực trạng một số địa phương chưa phát huy phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống dịch.
"Trong đợt dịch thứ 4 này, khi dịch xảy ra thường chỉ trong một thời gian ngắn, diễn biến nhanh, nhiều ca nhiễm, nên cần cần chuẩn bị sẵn năng lực phòng chống dịch để chủ động ứng phó với dịch. Năng lực ứng phó "4 tại chỗ" của các địa phương là vấn đề quan trọng nhất. Địa phương phải chuẩn bị sẵn cơ sở để quản lý, chăm sóc F0. Quan điểm chung là đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt để giảm lây nhiễm" - ông nhấn mạnh.
Bộ Y tế họp trực tuyến về phòng chống Covid-19. Ảnh: Thái Bình
Về năng lực điều trị, Bộ trưởng Y tế yêu cầu các địa phương phải thẩm định ngay năng lực các cơ sở y tế trên địa bàn. Hiện Bộ Y tế đã ban hành 3 tầng tháp trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tầng 1 tập trung quản lý, chăm sóc người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chiếm khoảng 80% số bệnh nhân. Nhóm này không cần sử dụng các cơ sở y tế, có thể đưa vào ngay các khu cách ly, nơi lưu trú để theo dõi, giám sát, sau 7 ngày làm xét nghiệm lại. "Nếu chuẩn bị kỹ tầng này, Việt Nam có thể đáp ứng được 80% số ca bệnh. Tầng 1 chỉ cần 1-2 bác sĩ và một số y tá, còn dồn lực cho các tầng cao hơn"- ông Long nhấn mạnh.
Tầng 2 là nơi điều trị bệnh nhân có triệu chứng trung bình, điều trị tại bệnh viện hạng 2, hạng 3 ở tuyến huyện. Nếu bệnh nhân có triệu chứng trung bình thì đưa vào điều trị tại cơ sở y tế tuyến quận, huyện - tầng thứ 2 của tháp điều trị. Tại tuyến điều trị này phải có hệ thống oxy và oxy trung tâm, nhân viên y tế phải được trang bị máy thở HFNC để sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân khi cần.
Tầng 3 dành điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch, nơi triển khai các kỹ thuật cao như thở máy, EMCO (tim phổi nhân tạo)... Tại tầng điều trị này, các địa phương phải thiết lập khu vực điều trị hồi sức tích cực.
"Việc phân tầng điều trị rất quan trọng, trong đó có vai trò điều tiết bệnh nhân đến các tầng phù hợp để tránh đưa bệnh nhân chưa nặng lên tầng cao, tránh để bệnh nhân có nguy cơ tử vong ở tầng 1 và tầng 2. Việc điều phối, vận chuyển bệnh nhân, tiếp nhận bệnh nhân phải được thực hiện bài bản"- Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý.
Bộ Y tế đã yêu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mô hình 3 tầng tháp
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu phải chuẩn bị về con người, rà lại hết nhân lực kể cả công, tư. Trong đó, tư nhân cũng phải tham gia vào cuộc chiến này, phải rà lại xem bao nhiêu người có thể sử dụng được máy thở để tập huấn ngay.
Một vấn đề được Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại hội nghị là chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng, chống dịch như máy thở, oxy, thuốc men, vật tư tiêu hao. Theo ông, một số địa phương chuẩn bị chưa tốt. Trong chuẩn bị hậu cần cho điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19 phải chuẩn bị sẵn về oxy và máy thở.
"Trang thiết bị các địa phương phải phát huy tối đa mua sắm theo nguyên tắc 4 tại chỗ. Trung ương chỉ hỗ trợ trong trường hợp thực sự cần thiết, căng thẳng và chỉ hỗ trợ các trung tâm hồi sức của trung ương"- Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Bình luận (0)