xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bộ Y tế huy động tổng lực phòng chống viêm phổi lạ

Lê Thanh - Hà Phương - Ph.Sơn

HÔ HẤP.- Những ngày qua, diễn tiến bệnh dịch đường hô hấp cấp do vi-rút lạ tại Hà Nội đã trở nên phức tạp với 47 người mắc bệnh và 1 người đã tử vong. Trong số bệnh nhân có một nhân viên của Tổ chức Y tế Thế giới vừa đến giúp VN ngăn chặn dịch bệnh. Bộ Y tế đã đưa ra 4 biện pháp khẩn cấp nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh dịch; đồng thời chi 7 tỉ đồng hỗ trợ các hoạt động phòng chống

Ngày 16-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS Lê Đăng Hà, Viện trưởng Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới (thuộc Bệnh viện (BV) Bạch Mai), cho biết kết luận ban đầu của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Tokyo cho thấy, những triệu chứng sốt cao, đau cơ, đau đầu, viêm đường hô hấp cấp không phải là cúm mà là bệnh viêm phổi do vi-rút lây lan gây ra. Cụ thể qua mẫu phân tích bệnh phẩm của bệnh nhân quốc tịch Hoa Kỳ (đã tử vong) và một số bệnh nhân khác cho thấy vi-rút gây bệnh thuộc típ B. Tuy nhiên, tên của loại vi-rút này vẫn chưa xác định được. Theo nhận định của GS Hà, đây là loại vi-rút mới gây nhiễm trùng đường hô hấp.

4 biện pháp khẩn cấp của Bộ Y tế

Cùng ngày, Bộ Y tế đã đưa ra 4 biện pháp khẩn cấp đối với các cơ quan chức năng nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh dịch, điều trị cho bệnh nhân và hạn chế tối đa tử vong.

Bốn biện pháp này gồm:

Một là, đề nghị Cục Quân y và Sở Y tế Hà Nội tìm ngay một BV, địa điểm xa khu dân cư, rộng rãi, an toàn để tiến hành cứu chữa cho bệnh nhân. Phong tỏa chặt chẽ BV Việt Pháp và BV Bạch Mai để phòng dịch lây lan.

Hai là, nghiên cứu ngay các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh. Mỗi người, đặc biệt là các nhân viên y tế hãy tự bảo vệ mình.

Ba là, xác định tiêu chuẩn chẩn đoán để thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh nhằm cách ly bệnh nhân ra khỏi cộng đồng. Nghiên cứu đưa ra phác đồ điều trị, tiêu chuẩn ra viện. Khuyến khích những người đã khỏi bệnh phục vụ những người còn đang điều trị.

Bốn là, hỗ trợ BV Việt Pháp máy móc, trang bị cần thiết.

Thân nhân nữ y tá Nguyễn Thị Lượng đồng ý hỏa táng

Tại BV Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới (Hà Nội), tính đến chiều 16-3 đã có tới 15 bệnh nhân bị lây nhiễm đang được điều trị. Hầu hết những người này đã có tiếp xúc với môi trường BV Việt Pháp. GS Hà cho biết, viện mới chỉ chuẩn bị 17 giường bệnh cho khu vực cách ly và có thể sẽ không đủ đáp ứng số bệnh nhân đang tăng. Sáng 16-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Thưởng, Trưởng Ban Đặc nhiệm phòng chống dịch khẩn cấp, đã làm việc với Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương và Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới để bàn về việc sẽ đóng cửa một số khoa để bổ sung giường bệnh và trang thiết bị cho khu vực cần chống dịch khẩn cấp.

Trong khi đó, tại BV Việt Pháp, TS Võ Văn Bản, Phó Giám đốc BV, cho biết số bệnh nhân hiện còn điều trị là 30 người. Một bệnh nhân là y tá Nguyễn Thị Lượng (sinh 1957) đã tử vong lúc 17 giờ ngày 15-3. Chị Lượng chính là y tá đã chăm sóc bệnh nhân quốc tịch Hoa Kỳ nói trên từ ngày 26-2-2003. Đến ngày 5-3 thì chị nhiễm bệnh nặng phải nhập viện để điều trị. Theo TS Võ Văn Bản, BV Việt Pháp đã tiến hành tất cả các biện pháp chữa trị hiện có trong tay nhưng diễn tiến bệnh của chị Lượng rất nhanh, do thể trạng của chị yếu kết hợp với các căn bệnh về thận và huyết áp vốn có. Chị Lượng có chồng và 1 con gái, trước đây là y tá của BV Bạch Mai. Năm 1997, khi BV Việt Pháp được thành lập, chị chuyển sang làm cho BV này. Ngay lập tức, Bộ Y tế đã đề nghị hỏa táng để đề phòng lây lan bệnh. Gia đình nạn nhân đã đồng ý và tang lễ đã được tiến hành ngay trong đêm 15-3.

Tín hiệu vui: 10 bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục

Cũng trong ngày 15-3, tình trạng của bác sĩ gây mê người Pháp (bị nhiễm bệnh từ ngày 4 đến 5-3) đã trở nên nguy kịch. Tuy nhiên, đến sáng 16-3 sức khỏe có tiến triển khá hơn, 10 người khác cũng đã có dấu hiệu hồi phục. Đến cuối ngày 16-3 đã có thêm một nhân viên của BV Việt Pháp bị nhiễm bệnh, nâng tổng bệnh nhân lên con số 31, trong đó có 4 người trong tình trạng rất nguy kịch. Theo tin giờ chót từ Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, 1 chuyên gia của WHO sang giúp VN đã bị nhiễm bệnh và được điều trị tại viện.

4 nguyên tắc phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút lây lan nhanh, có thể dẫn tới viêm phổi nặng, suy hô hấp và tử vong, để ngăn ngừa và phòng chống bệnh lây lan, mọi người cần thực hiện những biện pháp sau:

1. Vệ sinh cá nhân:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay sau khi hắt hơi, ho. Vệ sinh mũi họng bằng các dung dịch sát khuẩn đường hô hấp, các thuốc sát trùng tổng hợp để bảo vệ niêm mạc đường hô hấp trên.

- Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Trong trường hợp cần tiếp xúc với người bệnh phải dùng các phương tiện phòng hộ (như khẩu trang, găng tay, mũ...).

2. Hạn chế sự tiếp xúc với nguồn bệnh:

- Thông thoáng khí trong khu nhà ở, trường học, buồng bệnh, buồng ngủ.

- Hạn chế tập trung đông người tại những phòng chật hẹp, ít không khí.

3. Biện pháp tăng cường sức khỏe:

Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Tập thể dục thường xuyên, hít thở không khí trong lành.

4. Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp kèm theo các triệu chứng như sốt cao, ho, đau đầu, đau cơ cần đến ngay các cơ sở y tế để khám bệnh.

Các chuyên gia y tế Pháp, Nhật Bản, Mỹ và WHO đến VN trợ lực

Tối 15-3 đã có 6 chuyên gia người Pháp (2 y tá, 3 bác sĩ gây mê và một giáo sư Viện Pasteur Paris) với 10 máy thở xách tay đã tới BV Việt Pháp và triển khai ngay kế hoạch phục vụ bệnh nhân. Ngày 16-3 có thêm 3 chuyên gia Nhật Bản sang giúp VN để phòng chống dịch.

Về các biện pháp điều trị cho bệnh nhân, GS Hà cho biết, do chưa xác định được vi-rút gây ra bệnh nên chưa thể có phác đồ điều trị. Hiện nay các bệnh nhân đang được điều trị theo phác đồ của bệnh suy hô hấp. Bệnh nhân được uống vitamin C để nâng cao thể trạng, dùng kháng sinh liều cao để chống bội nhiễm. Bệnh nhân nguy cấp sẽ cho thở bằng máy.

Về phía Bộ Y tế, ông Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ Điều trị, cho biết các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tích cực cùng với VN bàn bạc, xây dựng quy trình khống chế bệnh. Theo dự kiến, ngày hôm nay, 17-3 một phác đồ điều trị sẽ được chính thức ban hành. Hiện tại, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội thành lập 9 đội phòng chống dịch, phối hợp với Cục Quân y, Bộ Quốc phòng trực 24/24 giờ, dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Văn Thưởng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo NLĐ, rất nhiều người dân ở Hà Nội đã đổ xô đi tìm mua khẩu trang, thuốc nhỏ mũi và các dung dịch vệ sinh miệng trong ngày 16-3.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, với bệnh dịch này lẽ ra đã có thể lây lan cho hàng ngàn người, nhưng do tiến hành kịp thời các biện pháp phòng ngừa nên đã hạn chế được.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Bộ sẽ làm hết sức mình để chặn đứng một dịch

Sáng 16-3, hai BV ở Hà Nội là Đống Đa và Thanh Nhàn đã nhận được yêu cầu tổ chức ứng cứu khi bùng phát lây lan dịch bệnh. Chiều cùng ngày, bà Nguyễn Thị Bích Đào, Giám đốc BV Đống Đa, cho biết BV đã chuẩn bị được 50 giường bệnh tại khoa y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới và 5 giường tại khoa hồi sức cấp cứu để đón bệnh nhân. BV cũng đã chuẩn bị được 20 cơ số thuốc cho những bệnh nhân nhẹ hoặc uống dự phòng. BV đã sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân từ BV Việt Pháp hoặc từ các BV khác. Cũng theo bà Đào, đến 21 giờ ngày 16-3, BV Đống Đa chưa phải tiếp nhận một bệnh nhân nào. Tại BV Thanh Nhàn, theo ghi nhận của phóng viên Báo NLĐ, công việc chuẩn bị cũng đã sẵn sàng.

Còn tại Viện Lao và Bệnh phổi Quốc gia, GS Nguyễn Việt Cồ, giám đốc, cho biết sơ bộ nhận định đây là vi-rút nhóm B. Viện đã tiến hành các biện pháp đề phòng cho nhân viên và bệnh nhân. Nếu người nào có dấu hiệu viêm phổi sẽ được cách ly ngay và chuyển tới Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới.

Cũng trong ngày 16-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đã có báo cáo khẩn gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng báo cáo diễn biến vụ dịch, công tác chữa trị, phòng dịch và cho biết: “Bộ Y tế sẽ làm hết sức mình để khắc phục vụ dịch”. Theo dự kiến, sáng nay, 17-3, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ có buổi làm việc để báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh này.

 CÁC NHÀ QUẢN LÝ NÓI GÌ ?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Thưởng, Trưởng Ban Đặc nhiệm Phòng chống dịch khẩn cấp:

“Chúng tôi nghĩ là mặc dù dịch có thể lây lan nhanh nhưng chúng ta có thể phòng chống được. Vì thế người dân không nên hoang mang và cần thực hiện theo 4 biện pháp Bộ Y tế đã khuyến cáo”.

GS Hoàng Thủy Long, Phó Ban Đặc nhiệm Phòng chống dịch khẩn cấp:

"Đến giờ này chúng tôi vẫn chưa xác định được loại vi-rút gây bệnh. Mặc dù đây không phải là dịch lớn, mức độ lây lan nhỏ, nhưng tính chất thì vô cùng nguy hiểm, do lây lan qua đường hô hấp. Vì thế mọi người cần triệt để thực hiện 4 biện pháp mà Bộ Y tế đã khuyến cáo để tránh lây lan. Hiện tại, trong khi chưa tìm ra loại vi-rút gây bệnh, Bộ Y tế đã đưa ra một phác đồ điều trị tạm thời gồm: Cách ly dịch tuyệt đối; nâng cao thể trạng bằng các loại đạm, vitamin; điều trị sớm bằng các loại kháng sinh Ciprofoxacine, Cephalosporine thế hệ 3 và Doxycycline để tránh bội nhiễm. Khi bệnh nhân tiến triển nặng thì hỗ trợ hô hấp bằng ôxy, máy thở. Tuy nhiên, GS Long nhấn mạnh, đây chỉ là những biện pháp hỗ trợ nhằm hạn chế tử vong xuống mức thấp nhất".

Bà Pascale Brudon, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại VN:

“WHO đã và đang cố gắng tìm hiểu căn bệnh này, tuy nhiên hiện vẫn chưa xác định được loại vi-rút gây bệnh. Vì thế chưa thể có cách điều trị hữu hiệu. WHO đang tiếp tục huy động nhiều chuyên gia từ các nước đến trợ giúp VN”.


Các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và TPHCM nhận lệnh chống dịch

Sáng 16-3, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn cấp để đưa ra những phương án khoanh vùng và phòng chống sự lây lan, đồng thời kiểm tra công tác dập dịch do quân dân y kết hợp thực hiện.

Sau 30 phút ra lệnh báo động, 9 đội công tác dập dịch cơ động nhanh của các bệnh viện, trung tâm y tế đã có mặt tại sân Bộ Y tế để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Theo thạc sĩ Trần Quốc Tuấn, Trưởng Đội Phòng chống dịch Bệnh viện Đống Đa, đây là một căn bệnh cấp tính lây qua đường hô hấp, các dịch tiết của bệnh nhân này lây qua niêm mạc mắt. Do đó các nhân viên y tế phải có khẩu trang đúng với tiêu chuẩn quốc tế, các kính phòng hộ và các máy thở tự động.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã thông báo việc triển khai chống dịch đến các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và TPHCM, nơi bệnh nhân quốc tịch Mỹ đã đến làm việc những ngày ở VN.

Theo Bộ Y tế, một đặc điểm quan trọng của bệnh này là mỗi bệnh nhân có thể lan truyền một số lượng lớn vi-rút. Những vi-rút này có thể sống bền vững trong các giọt nước nhỏ, ở môi trường có độ ẩm thấp và nhiệt độ không cao.

 TẠI TP HỒ CHÍ MINH

Đã có hai ca viêm phổi nghi do vi-rút lạ

Chiều qua, 16-3, trao đổi qua điện thoại với bác sĩ (BS) Nguyễn Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa tư nhân Hoàn Mỹ, đang công tác tại Đà Nẵng, chúng tôi được biết vào ngày 14-3, BV này đã tiếp nhận cháu N.M.C, 15 tuổi, ngụ tại P.13, quận 3, nhập viện trong tình trạng sốt, ho, xét nghiệm máu bạch cầu, tiểu cầu giảm, trên phim X - quang có dấu hiệu thâm nhiễm phổi. Sau hai ngày điều trị bằng kháng sinh, do bệnh không giảm (sốt cao hơn và thâm nhiễm phổi nhiều hơn), nên BV đã có cuộc hội chẩn với BS BV Bệnh Nhiệt đới, sau đó bệnh nhân được chuyển sang BV này để điều trị vào 12 giờ hôm qua. Theo BS Lê Thị Thu Thảo, Trưởng Khoa Cấp cứu người lớn BV Bệnh Nhiệt đới, chưa có bằng chứng gì xác định ca bệnh này liên quan đến những trường hợp viêm phổi do vi-rút lạ đang xảy ra ở Hà Nội. Hôm qua, BV đã tiến hành làm tất cả xét nghiệm cần thiết (thử máu, cấy máu, chụp X - quang...) để xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, điều này không dễ khi trước đó bệnh nhân đã được xử trí bằng kháng sinh. Như vậy chỉ trong vòng 1 tuần, BV Hoàn Mỹ đã tiếp nhận 2 bệnh nhân có những triệu chứng nghi ngờ bệnh viêm phổi cấp do vi-rút mà không xác định nguyên nhân.

Khác với trường hợp thứ 2, ca bệnh đầu tiên có yếu tố dịch tễ học rõ ràng, đó là trường hợp anh Đ.V.T, 37 tuổi, ngụ tại Hà Nội. Sau một tuần nuôi vợ sinh ở BV Việt Pháp, ngày 7-3, anh vào TPHCM công tác và phát bệnh với triệu chứng sốt cao, tức ngực, ho nhiều. Sau 3 ngày điều trị ở BV Đa khoa tư nhân Vạn Hạnh không giảm, anh T. chuyển sang BV Hoàn Mỹ. Tại đây, xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu và tiểu cầu giảm, chụp X - quang có dấu thâm nhiễm phổi trái nhiều hơn so với phim chụp trước đó ở BV Vạn Hạnh. Sáng 14-3, do yêu cầu của người nhà, BV Hoàn Mỹ đã cho bệnh nhân chuyển ra Hà Nội chữa trị với giấy chuyển viện ghi chẩn đoán: Theo dõi viêm phổi do nhiễm vi-rút lạ. Cả hai ca bệnh này đã được báo cáo lên lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM để xử lý.  Được biết, Sở Y tế TPHCM đã đề nghị Công an và Hải quan cửa khẩu có biện pháp hỗ trợ bằng cách báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh quốc tế tại TPHCM về mọi trường hợp hành khách đến từ Hồng Kông - Trung Quốc có triệu chứng bất thường như sốt, ho, ớn lạnh, tăng tiết đờm dãi, đau đầu, đau khớp...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo