Ngày 17-5, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến khảo sát tìm hiểu việc triển khai hồ sơ bệnh án, bệnh án điện tử tại Bệnh viện TP Thủ Đức - TP HCM. Tham gia còn có đại diện Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh.
Đoàn công tác của Bộ Y tế khảo sát một số khoa, phòng tại Bệnh viện TP Thủ Đức
Bệnh viện TP Thủ Đức là bệnh viện tuyến quận, huyện hạng 1 đầu tiên của cả nước và là bệnh viện đầu tiên được Bộ Y tế cho phép triển khai thí điểm hồ sơ bệnh án điện tử. TS-BS Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc Phụ trách quản lý và điều hành Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết bệnh viện đã số hóa toàn bộ hồ sơ bệnh án bằng giấy và tích hợp vào phần mềm trên 6.000 hồ sơ bệnh án giấy, giúp lưu trữ lâu, tiết kiệm diện tích phục vụ thuận tiện cho công tác thống kê, báo cáo, nghiên cứu khoa học, dự báo…
Bệnh án điện tử giảm thời gian rõ rệt so với bệnh án giấy, từ gần 31 phút xuống chỉ còn gần 19 phút. Nếu tính số lượng hàng ngàn bệnh án phải thực hiện mỗi ngày, số thời gian sẽ được tiết giảm rất đáng kể, chưa kể các tiện ích trong việc lưu trữ, truy xuất khi cần.
Đồng thời, bệnh viện còn tiên phong áp dụng mô hình khoa khám bệnh thông minh giúp đa dạng hóa đăng ký khám chữa bệnh, phân loại người bệnh, giám sát tuân thủ phác đồ điều trị, trả kết quả lâm sàng, chống lãng phí và đặc biệt cảnh báo nhắc nhở về tương tác thuốc, chống chỉ định, giới hạn chỉ định lâm sàng, giá trần giá thuốc…
Với ứng dụng này, trung bình người bệnh đến khám, lãnh thuốc chỉ mất 80 phút. Nếu thực hiện từ 2-3 kỹ thuật cận lâm sàng, khám và lãnh thuốc mất dưới 3 tiếng đồng hồ. Với hệ thống quản lý bệnh viện thông minh giúp việc quản lý khám chữa bệnh được chặt chẽ, nhanh - gọn - chính xác, giảm thời gian thủ tục hành chính, nâng cao an toàn người bệnh và chất lượng bệnh viện.
Bệnh án điện tử được đánh giá là cốt lõi và điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Đoàn công tác của Bộ Y tế đã chia thành các tổ tham quan, khảo sát thực tế tại nhiều khoa, phòng trực trong Bệnh viện TP Thủ Đức như: Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Phòng Công nghệ thông tin và các khoa điều trị. Đoàn cũng đã có những đánh giá chi tiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác triển khai bệnh án điện tử tại bệnh viện.
Theo TS Dương Huy Lương, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng & Chỉ đạo tuyến Cục quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, đây là một trong những hoạt động nhằm phục vụ cho việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định về hồ sơ bệnh án, tóm tắt hồ sơ bệnh án theo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh số 15/2023/QH15 của Quốc hội sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Bệnh án điện tử được Bộ Y tế đánh giá là cốt lõi và điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Bình luận (0)