Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội liên quan việc xét nghiệm xác định người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện.
Trước đó, ngày 5-12, Bộ Y tế nhận được công văn của Sở Y tế Hà Nội đề nghị cho ý kiến về việc sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên xác định người nhiễm SARS-CoV-2 và xác định tình trạng khỏi bệnh, cho ra viện.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở quận Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: Ngô Nhung
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội diễn biến phức tạp, số mắc có xu hướng tăng. Để thích ứng tình hình mới và bảo đảm an toàn, linh hoạt phù hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương, Sở Y tế căn cứ cấp độ dịch, khả năng đáp ứng và Hướng dẫn tạm thời về quản lý người mắc Covid-19 tại nhà ban hành kèm theo Quyết định số 4038 của Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định số 4689 của Bộ Y tế để xác định ca bệnh theo hướng dẫn.
Theo đó, trường hợp thứ 1, người nhiễm SARS-CoV-2 là trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR.
Thứ 2, là trường hợp bệnh nghi ngờ có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính. Bộ Y tế lưu ý test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Thứ 3, là những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định Covid-19 trong khoảng 14 ngày và có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với 2 loại test nhanh khác nhau (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện). Trong trường hợp chỉ có kết quả dương tính với 1 loại test nhanh thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.
F0 điều trị tại nhà đủ 10 ngày, test nhanh âm tính được xác định khỏi bệnh
Về đề xuất của Hà Nội liên quan sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện, theo Bộ Y tế, với người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày. Ngoài ra, ca bệnh có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hoặc Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.
Với người bệnh Covid-19 điều trị các các cơ sở thu dung, điều trị, nếu là người bệnh Covid-19 đơn thuần hay người bệnh Covid-19 có bệnh nền/bệnh kèm theo, các triệu chứng lâm sàng cần phải hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên. Cùng đó, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc Ct từ 30 trở lên hoặc test nhanh âm tính vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).
Người bệnh Covid-19 sau khi ra viện cần ở tại nhà, tự theo dõi trong 7 ngày. Với người bệnh Covid-19 có bệnh nền/bệnh kèm theo, sau khi được xác định khỏi Covid-19, được chuyển sang khoa điều trị bệnh kèm theo/ bệnh nền (nếu cần) tại buồng riêng của khoa đó để tiếp tục điều trị và được sàng lọc, theo dõi theo quy định đối với người bệnh nội trú....
Theo Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29-4) đến nay, Hà Nội ghi nhận là 18.448 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 6.902 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 11.546 ca.
Tính đến hết ngày 11-12, Hà Nội đã tiêm được hơn 12,4 triệu mũi vắc-xin Covid-19 cho người dân. Với đối tượng từ 18 tuổi trở lên, có hơn 6,17 triệu người đã tiêm mũi 1 (đạt gần 95% dân số trên 18 tuổi và 71,2% tổng dân số). Trong đó có hơn 5,6 triệu người tiêm đủ 2 mũi (đạt gần 86% dân số trên 18 tuổi và 64,4% tổng dân số). Riêng với người từ 50 tuổi trở lên, hơn 84% người tiêm đủ 2 mũi.
Với trẻ từ 12-17 tuổi, Hà Nội đã tiêm được gần 638.000 mũi vắc-xin cho trẻ em, đạt tỉ lệ hơn 92% tổng số trẻ trong lứa tuổi này.
Bình luận (0)