Ngày 15-2, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn số 132//KCB-QLCL&CĐT gửi giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp về việc xử lý thông tin phản ánh liên quan đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Sa Đéc trên báo chí.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, ngày 12-2 vừa qua, trên phương tiện thông tin đại chúng có bài báo ""Rùng mình"... với Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc". Nội dung bài báo phản ánh về việc "bệnh nhân ra vào như một cái chợ" và "nín thở đi vệ sinh".
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp khẩn trương xác minh thông tin báo chí nêu trên; đồng thời trực tiếp đến kiểm tra, giám sát thực trạng chất lượng BVĐK Sa Đéc, chụp ảnh các khu vực có báo chí phản ánh và những địa điểm có chất lượng chưa tốt. Bên cạnh đó, Sở Y tế Đồng Tháp cần tiến hành tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện khác trên địa bàn tỉnh.
Khu vực vệ sinh luôn là nỗi ám ảnh đối với bệnh nhân, thân nhân người bệnh - Ảnh: motthegioi
Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng yêu cầu Sở Y tế Đồng Tháp gửi báo cáo về bao gồm: hình ảnh chụp các địa điểm sau khi trực tiếp đi kiểm tra, giám sát; biên bản và kết quả đánh giá chất lượng BVĐK Sa Đéc năm 2018 của Sở Y tế về Bộ Y tế trước ngày 24-2.
Theo thông tin bài báo này, BVĐK Sa Đéc là một bệnh viện lớn của tỉnh Đồng Tháp với số bệnh nhân khám, chữa bệnh ngoại trú trung bình mỗi ngày lên đến 1.500 lượt, nhưng hoạt động khám chữa bệnh lại rất nghiệp dư, bệnh nhân muốn nhập viện thì nhập viện, muốn xuất viện thì tự xuất viện. Thậm chí rất nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện ở đây rồi tự mình "xuất viện" mà nhân viên y tế của bệnh viện này không hề phản ứng gì.
Bài báo cũng cho biết trong tất cả các chuyên khoa của BVĐK Sa Đéc thì Khoa Nội tổng hợp của bệnh viện này có lẽ là nơi tập trung đông bệnh nhân nhất. Tất cả bệnh nhân mắc các bệnh từ đái tháo đường, tim mạch, huyết áp đến đau cột sống, gai cột sống, thậm chí gãy tay, gãy chân cũng đưa vào đây để điều trị. Dù mỗi tầng có 2 nhà vệ sinh (1 dành cho nam và 1 dành cho nữ) nhưng chỉ hoạt động 1 nhà vệ sinh, khi nhà vệ sinh nam hoạt động thì nhà vệ sinh nữ đóng cửa và ngược lại. Vì vậy cả trăm bệnh nhân cả nam lẫn nữ phải chui chung vào một cái nhà vệ sinh nhỏ bé này. Nhà vệ sinh ở đây không chỉ ẩm thấp mà còn bốc mùi xú uế với những thùng chứa rác rưởi cáu bẩn, thức ăn ôi thiu, mốc meo, đầy ruồi nhặng.
Bình luận (0)