BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho biết ca mổ kéo dài từ 9 giờ sáng đến hơn 13 giờ trưa 29-8, trong đó giai đoạn lóc bướu kéo dài khoảng 1 giờ 15 phút, nhanh hơn dự kiến 45 phút. Sau đó, cháu bé được lấy da ở đùi để ghép lên mảng lưng, phần ghép da tương đương diện tích khối bướu, tức có đường kính khoảng 22cm.
Khối bướu là dạng bướu hắc tố bẩm sinh, tương tự hiện tượng một số người có vùng da sậm đen trên cơ thể. Tuy nhiên bướu nhô hẳn lên tạo thành "mai rùa" trên lưng như bé T. thì đây là trường hợp thứ hai được phát hiện trên toàn thế giới. Khối bướu được lấy ra nặng đến 1,05 kg.
Ê kíp bao gồm 6 bác sĩ phẫu thuật, 2 bác sĩ gây mê và nhiều kỹ thuật viên hỗ trợ. Ca mổ tiến hành khá thuận lợi, không xảy ra những tình huống bất ngờ ngoài dự kiến. Để không phải lấy quá nhiều da từ đùi bé, các kỹ thuật mới cũng được áp dụng để tiết kiệm diện tích da ghép.
Theo gia đình, lúc mới sinh, bướu trên lưng T. chỉ to bằng quả quýt, sau đó lớn dần lên, đến nay đã có đường kính 22cm, khiến cô bé gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như hết sức mặc cảm vì bị bạn bè trêu chọc. Khối bướu cũng gây ngứa ngáy nhiều và nếu không được giải quyết kịp thời thì có nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư. Ngoài ra nếu để bướu phát triển lớn thêm, việc mổ bóc tách sẽ khó khăn và nguy hiểm hơn, thậm chí không làm được vì đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.
Cháu bé sẽ được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện một thời gian, thông thường khoảng 10-14 ngày. Theo BS Hiếu, điều mọi người mong muốn nhất vẫn là cháu bé sẽ có được một cuộc sống tốt hơn, bình thường như những đứa trẻ khác và không còn mặc cảm vì chiếc "mai rùa".
"Cậu bé rùa" ở Columbia - ca mắc dạng bướu này đầu tiên trên thế giới -ảnh DAILY MAIL
Trước bé T., thế giới từng ghi nhận ca bệnh của bé Didier Montalvo (Columbia), cũng có khối bướu tương tự nhưng lớn hơn. Bệnh nhân có biệt danh “cậu bé rùa” (Turtle Boy) này đã được phẫu thuật thành công tại Anh vào năm 2015.
Bình luận (0)