Bài thuốc đông y, dù là dùng thuốc nam hay thuốc bắc, đều phải tuân thủ một số quy tắc kinh điển mới mong triển khai tác dụng cộng hưởng của cây thuốc.
Vị thuốc chủ yếu trong bài thuốc, như vua trong nước, được gọi là “quân”. Một nước không thể có nhiều vua. Vì thế hiếm khi có hai vị thuốc đóng vai “quân” trong một bài thuốc. Vua một mình khó lòng trị nước. Bài thuốc vì thế cần có thêm vài vị thuốc gọi là “thần” với tác dụng hỗ trợ. Đóng vai thần thì không lẽ con số đến hàng trăm? Thường chỉ vài vị thuốc là đủ.
Nếu may mắn tìm được trung thần còn gì quý hơn nhưng trong thực tế cũng thường có nịnh thần. Do đó, trong bài thuốc đông y kinh điển bao giờ cũng có vài vị thuốc được đặt tên là “tá” với công dụng hầu như tương khắc với nhóm thuốc “quân”, “thần” nhưng không theo nghĩa triệt tiêu mà để hoặc ức chế phản ứng phụ hoặc trung hòa tác dụng thái quá của các vị thuốc quân, thần để bài thuốc đừng phụ lòng người dùng thuốc.
Nhưng triều đình như thế vẫn chưa đủ mặt văn võ bá quan. Bài thuốc đông y nào cũng có thêm một vài vị thuốc thuộc nhóm “sứ” với nhiệm vụ tối ưu hóa khả năng dung nạp của bài thuốc cũng như kéo dài tác dụng. Thiếu thuốc thuộc nhóm này, bài thuốc dù có cấu trúc khéo cách mấy cũng khó tránh hoặc thất thoát trên đường hội nhập hoặc tuy cũng có tác dụng nhưng lại quá ngắn ngủi.
Một bài thuốc đông y muốn đúng nghĩa kinh điển phải hội đủ 4 yếu tố quân - thần - tá - sứ. Nhưng điều đó không có nghĩa là bài thuốc phải gồm nhiều vị thuốc đến độ đơn thuốc dài như sớ táo quân. Nếu với một vua, vài thần, năm ba tá cộng thêm một hai sứ thì bài thuốc khó nhiều hơn chục vị.
Một bài thuốc với quá nhiều vị thuốc chưa hẳn là bài thuốc hay. Một bài thuốc như thế thậm chí còn là điều rủi ro cho người bệnh vì thầy thuốc khó lòng theo dõi phản ứng tương tác khó lường khi mấy chục vị thuốc gặp nhau trong nồi sắc thuốc.
Dưới góc nhìn tượng hình, nhiều bệnh nhân cứ tưởng lĩnh thang thuốc càng nặng ký càng hay. Đáng tiếc, vì các nhà nghiên cứu dược thảo thuộc trường phái Kanbo ở Nhật đã dựa vào tiêu chí khoa học thực nghiệm để chứng minh: Một số vị thuốc trong bài thuốc quá nhiều vị thuốc có thể mất tác dụng vì bị triệt tiêu bởi vị thuốc khác.
Vấn đề lại chưa dừng ở đó. Một trong các nguyên tắc tối quan trọng của đông y là “biện chứng luận trị”. Thầy thuốc phải kịp thời thay đổi thành phần và hàm lượng của thang thuốc tùy theo diễn biến của bệnh tình. Thang thuốc của người bệnh này khó giống người bệnh kia, cho dù cả hai có thể đến khám vì cùng một bệnh.
Do đó, không thể chấp nhận tình trạng hốt thuốc đại trà trăm người như một. Càng không thể chấp nhận nếu bệnh nhân “bị” điều trị một lèo với mấy chục thang thuốc mà không cần tái khám để đổi thuốc, trừ phi thầy thuốc hốt thuốc cả lố như thế chỉ để tiện việc bán thuốc.
Bình luận (0)