Đề xuất bồi thường cho người bị tai biến nặng hoặc thân nhân người bị tai biến nặng sau tiêm chủng vắc-xin bắt buộc đang được Bộ Y tế lấy ý kiến để ra nghị định, dự kiến ban hành trong năm 2015. Tuy nhiên, việc được bồi thường được cho là rất khó.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết dự thảo nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng đang được lấy ý kiến của bộ, ngành và người dân. Theo dự thảo, người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật; người được tiêm chủng tử vong do những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng do nguyên nhân sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vắc-xin bắt buộc sẽ được nhà nước bồi thường” - ông Phu nói.
Ông Phu cũng cho biết thêm những trường hợp không gây hậu quả sẽ không được bồi thường. Cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng thực hiện sai quy trình sẽ chịu các hình thức kỷ luật do không tuân thủ quy trình về an toàn tiêm chủng.
Nếu căn cứ vào những điều kiện tại dự thảo nghị định, nhiều người trong ngành y cho rằng trường hợp được bồi thường sẽ là hãn hữu. Bởi trên thực tế, dù tai biến tiêm chủng được biết đến với tỉ lệ nhất định nhưng thời gian qua, hầu hết sự cố sau tiêm chủng đều được hội đồng chuyên môn cho rằng không liên quan đến vắc-xin.
Theo ông Phu, không phải trường hợp tai biến do tiêm chủng nào nhà nước cũng bồi thường. Tuy nhiên, sau khi có kết quả giám định của hội đồng tư vấn chuyên môn, trước tiên, nhà nước sẽ có trách nhiệm bồi thường. Sau đó, nếu lỗi để xảy ra tai biến do vắc-xin thì nhà cung cấp vắc-xin phải bồi hoàn cho nhà nước. Nếu do tiêm chủng thì cán bộ tiêm chủng phải bồi hoàn.
Chính vì thế, trong việc đánh giá nguyên nhân tai biến tiêm chủng, hội đồng tư vấn chuyên môn phải chịu trách nhiệm khi đưa ra kết luận lỗi thuộc về bên nào. “Với những trường hợp tai biến nặng, tử vong do liên quan đến vắc-xin, nếu nguyên nhân được xác định do trùng lập ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ hoặc do cơ địa có phản ứng mạnh với vắc-xin, hội đồng chuyên môn sẽ cân nhắc việc bồi thường. Thế nhưng, nhiều khả năng nhà nước sẽ không bồi thường cho các trường hợp này” - ông Phu nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh, cho rằng với trẻ, nhất là trẻ sơ sinh, bằng mắt thường và khám sàng lọc chưa chắc phát hiện được những bệnh tiềm ẩn, như viêm phổi, máu trắng, tim bẩm sinh…. Một đợt tiêm chủng có hàng trăm ngàn trẻ em, cơ địa của mỗi cháu lại khác nhau nên khó tránh được các phản ứng, thậm chí là tai biến sau tiêm. Trong trường hợp này, việc có nhận được bồi thường hay không sẽ do hội đồng chuyên môn căn cứ vào các quy định tại thông tư hướng dẫn.
Bộ Y tế kêu gọi cho trẻ tiêm chủng đầy đủ
Ngày 7-8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị “Tổng kết chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella trong tiêm chủng mở rộng năm 2014-2015”.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sau 8 tháng triển khai, chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella đã góp phần khống chế dịch sởi tại Việt Nam. Tỉ lệ phản ứng sau tiêm trong chiến dịch nằm trong ngưỡng nghiên cứu của nhà sản xuất và thấp hơn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới. Dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi người dân, đặc biệt là các bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng, đưa trẻ đi tiêm đầy đủ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Chiến dịch này sẽ kéo dài đến hết tháng 8-2015 với mục tiêu 100% số xã đạt tỉ lệ tiêm vắc-xin sởi - Rubella trên 95%.
Bình luận (0)