Đại tộc bàng hoàng
Gia đình ông Võ Thâu (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhận được kết quả cả 5 thành viên gồm vợ chồng ông, 2 con trai và người con dâu đều nhiễm dioxin nồng độ cao. Gia đình ông Thâu có nhiều người bị kết luận nhiễm dioxin nhất trong số những hộ được bốc thăm ngẫu nhiên để xét nghiệm tại phường Chính Gián.
Ông Võ Được, cũng ở phường Chính Gián, cho biết riêng họ Võ của ông sinh sống ở địa bàn này có đến 18 người “bỗng nhiên” nhiễm chất độc da cam. Gia đình ông Được có 2 người là vợ chồng ông được lấy mẫu máu xét nghiệm và đều có kết quả nhiễm dioxin.
Theo ông Được, trước đây, nhiều người họ Võ của ông sống gần khu vực sân bay Đà Nẵng. Đến năm 1962, do sân bay xây dựng nên gia tộc ông di dời đến chỗ ở hiện nay cách đó khoảng 2 km. “Tôi cũng như nhiều người vẫn nhớ rất rõ khi ấy, khu vực này được bao bọc bởi ruộng đồng, ao hồ. Có điều cống thoát nước từ sân bay được dẫn ra các đám ruộng ở đây. Vào mùa mưa, nước cống tràn ngập lên ruộng đồng, ao hồ, ngấm cả vào giếng - nguồn nước dùng ăn uống hằng ngày” - ông Được nhớ lại.
Ông Võ Thâu còn nhớ lúc đó, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa. “Chúng tôi thường xuyên ăn cá đồng bắt được ở các ao hồ xung quanh, ăn rau muống từ ruộng và uống nước giếng khơi, hoàn toàn không biết nước cống dẫn ra từ sân bay có chứa dioxin hay không. Mãi đến năm 2001, các hộ dân sống ở khu vực này mới ngưng sử dụng nguồn nước ngầm và chuyển sang dùng nước máy” - ông Thâu lo ngại.
Trong số 62 người có kết quả nhiễm dioxin nồng độ cao, 17 người sinh sống lâu dài tại quận Hải Châu, khu vực cách ly hoàn toàn với sân bay Đà Nẵng. Khi nhận được kết quả xét nghiệm, họ hết sức ngỡ ngàng và không thể lý giải vì sao lại nhiễm chất độc này.
Gia đình ông Nguyễn Đại Sang ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu có 2 người là vợ chồng ông được chọn xét nghiệm và kết quả đều nhiễm dioxin. “Tôi sinh sống từ nhỏ đến giờ tại phường Thuận Phước này, không hề ở gần sân bay Đà Nẵng, vợ tôi cũng ở đây từ nhỏ. Trước đây, tôi có tham gia chiến trường, còn vợ tôi chỉ ở nhà nội trợ. Khi nhận được kết quả nhiễm dioxin, chúng tôi rất bất ngờ vì không hề nghĩ mình lại là nạn nhân” - ông Sang rầu rĩ.
Lâu nay, sức khỏe của vợ chồng ông Sang vẫn bình thường. Hai người con của họ cũng không có biểu hiện nhiễm dioxin. Tuy nhiên, khi nhận được kết quả nhiễm chất độc này, gia đình ông đoan chắc rằng cả 2 con cũng khó thoát. Ông Sang buồn bã: “Hôm lấy mẫu máu, 2 đứa nó lại bận đi làm nên không có cơ hội xét nghiệm”.
Liệu còn những ai?
Cầm trên tay danh sách 62 người nhiễm dioxin mới của TP Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP, không giấu được vẻ thảng thốt. “Những tưởng 5.000 người nhiễm dioxin trước đây ở Đà Nẵng đã là con số cuối cùng nhưng không ngờ bây giờ lại phát hiện kết quả thế này... Gần một tháng nay, tôi đã đến từng gia đình, động viên từng người để trấn an tinh thần, khuyên họ đi chữa trị” - bà Hiền thổ lộ.
Với kết quả vừa công bố, nhiều người dân Đà Nẵng hết sức lo âu, ít ai tự tin khẳng định rằng mình không nhiễm chất độc này. “Kết quả 62 người nhiễm dioxin ngẫu nhiên lần này là một minh chứng về môi trường sống. Còn rất nhiều người dân xung quanh không được xét nghiệm cũng có thể cùng chung số phận. Điều này đặt ra câu hỏi có phải môi trường sống đã khiến họ trở thành nạn nhân của dioxin?” - bà Hiền nghi ngờ. Theo bà Hiền, nếu có điều kiện xét nghiệm diện rộng, có lẽ con số sẽ không dừng lại ở 62 trường hợp.
Bà Hiền cho biết trong đợt đầu tiên, Bệnh viện 103 - Hà Nội sẽ tiếp nhận chữa trị miễn phí cho 24 người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện đi chữa trị trong gần một tháng, chưa kể nhiều lý do khác. “Hiện giờ, nhiều bạn trẻ trong số 62 người mới bị phát hiện nhiễm dioxin rất mặc cảm. Họ không muốn tiếp xúc với người ngoài. Họ sợ sẽ chịu sự xa lánh của xã hội, ảnh hưởng đến tương lai” - một người nhiễm dioxin băn khoăn.
Vợ ông Võ Được, bà Hồ Thị Xuân, được Bệnh viện 103 mời ra Hà Nội tẩy độc trong đợt đầu tiên nhưng không đi. “Tuổi của vợ chồng tôi đã cao, chỉ lo cho 3 đứa con và 5 cháu nội ngoại, cả thế hệ sau nữa” - ông Được phân trần. Chị Võ Thị Ngà, con dâu của gia đình ông Võ Thâu, cũng cho biết sẽ không ra Hà Nội tẩy độc vì có 2 con nhỏ, không thể đi xa nhiều ngày… “Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng sẽ đề nghị xây dựng trung tâm tẩy độc tại miền Trung để thuận tiện cho bà con đi lại” - bà Hiền cho biết.
Bốc thăm xét nghiệm ngẫu nhiên
Năm 2005, kết quả đợt khảo sát thuộc dự án khảo sát - giải quyết ô nhiễm dioxin tại Đà Nẵng do các thành viên Công ty Tư vấn Hatfield, Văn phòng 33 của Chính phủ và Bộ Y tế thực hiện cho thấy mẫu đất và nước ở hồ, ruộng tại khu vực lân cận sân bay Đà Nẵng và các phường của quận Thanh Khê chứa nồng độ dioxin vượt mức cho phép.
Một năm sau, tháng 12-2006, dự án này tiếp tục thực hiện với việc lấy mẫu máu và sữa của người dân sống ở 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu - TP Đà Nẵng để xét nghiệm. Do chi phí xét nghiệm quá lớn nên trong đợt này, dự án chỉ bốc thăm ngẫu nhiên một số gia đình, trong đó người được lấy mẫu phải đủ 18 tuổi trở lên, sống 5 năm liên tục tại khu vực nghiên cứu. Đến tháng 7-2012, Bệnh viện 103 mới gửi danh sách 62 người nhiễm dioxin nồng độ cao về Đà Nẵng, đồng thời mời 24 người ra Hà Nội tẩy độc đợt 1 từ ngày 5-9.
TS Đào Bá Vượng, Bệnh viện 103, bác sĩ trực tiếp phụ trách điều trị cho 24 người, cho biết chương trình tẩy độc kỹ thuật cao này đã được đội ngũ y, bác sĩ thực hiện nhiều lần. Phương pháp tẩy độc có tên gọi là Hubbard với thời gian điều trị khoảng 25 ngày. Đây là phương pháp có quy trình chuẩn, đòi hỏi người nhiễm dioxin phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt về giờ giấc để bảo đảm việc tẩy độc thành công. Người nhiễm dioxin sẽ được uống vitamin, chạy bộ mỗi ngày, xông hơi… để trực tiếp tẩy độc.
Theo bác sĩ Vượng, dù thể trạng bên ngoài của những người nhiễm dioxin mới hoàn toàn bình thường nhưng chất độc bên trong - theo kết quả xét nghiệm máu - vẫn cần được tẩy khỏi. “Không chỉ tẩy độc, phương pháp này còn loại trừ nhiều căn bệnh khác của người nhiễm dioxin” - bác sĩ Vượng phân tích. |
Từng mắc nhiều bệnh
Trong số 18 người thuộc họ Võ ở phường Chính Gián vừa phát hiện nhiễm dioxin, có một trường hợp là ông Võ Tư bị bệnh ung thư gan và đã mất vào năm 2009.
Trong khi đó, anh Võ Như Sơn, con trai ông Võ Thâu, người cũng “bỗng nhiên” nhiễm chất độc da cam, cho biết anh trai mình là Võ Như Lâm hiện đang bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống lưng và cổ. Ngoài ra, những người họ hàng xung quanh của anh cũng mắc nhiều chứng bệnh như ung thư, vô sinh… “Rất có thể chất độc dioxin đã gây cho họ những căn bệnh này” - anh Sơn nhận xét.
Nhiều người trong dòng họ Võ hiện rất lo lắng về bệnh tình của mình và chất độc dioxin theo kết quả xét nghiệm vừa công bố. “Chúng tôi mong mỏi được Nhà nước hỗ trợ chữa bệnh miễn phí, nhất là những người từng sống gần sân bay Đà Nẵng” - anh Sơn tha thiết. Người họ Võ lo lắng lớp trẻ sau này sẽ bị ảnh hưởng di chứng dioxin
|
Bình luận (0)