Mấy tháng nay, anh Long (Mai Hắc Đế, Hà Nội) được bạn bè rủ đi đánh tennis. Sau đó anh thấy đau ở khớp gối, nhất là khi cử động. Long không dám kêu đau với vợ vì sợ bị ngăn tham gia môn thể thao hấp dẫn mà anh vừa “bén duyên” không lâu.
Trên đường từ cơ quan về nhà, Long qua hiệu thuốc, mua một loại cao dán làm từ thảo dược giúp làm giảm đau. Cô bán hàng khuyên nên dán thử vài ngày, nếu không khỏi thì phải đi khám ở chuyên khoa khớp vì có thể đây là chấn thương sau chơi thể thao.
Không muốn bỏ buổi tập ngày mai, anh dùng cả hai miếng cao to dán vào đầu gối. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, cử động thử đầu gối, Long mừng thầm vì thấy hết đau. Anh cứ để như vậy và đi làm như bình thường. Chiều hôm ấy, khi bóc miếng cao ra, anh lo lắng khi thấy da vùng đầu gối bị đau, rát, hơi sưng và đỏ tấy.
Đến Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương khám, Long được bác sĩ cho biết là anh bị bỏng nhẹ do dán cao quá lâu. Rồi bác sĩ chỉ cho anh dòng chữ được ghi rất rõ trên vỏ gói cao: "Mỗi miếng dán không sử dụng quá 8 tiếng".
Bác sĩ Kim Ngân, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, cho biết rất nhiều người có thói quen sử dụng các loại cao dán khi bị đau lưng, mỏi cơ, đau khớp, đau đầu vì chúng có tác dụng giảm đau, kháng viêm rất tốt. Họ nghĩ rằng nó an toàn với mọi đối tượng nên sử dụng rất tùy tiện. Tuy nhiên, trong thực tế, cao dán cũng có những chỉ định về cách dùng cụ thể. Nếu miếng cao quá lớn, quá lâu, hiện tượng bỏng rát tại vị trí dán sẽ xảy ra, nhất là với người có da mẫn cảm và với trẻ còn nhỏ.
Vì vậy, bác sĩ Ngân khuyên khi dùng cao dán, bệnh nhân nên xem kỹ hướng dẫn và không nên lạm dụng.
Bình luận (0)