Vừa qua, bé L.Đ.D.M (4 tuổi, ở TP HCM) được đưa đến Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM trong tình trạng tím tái. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện bé bị thông liên nhĩ lỗ thứ phát kích thước lớn.
Tránh phẫu thuật lớn trên cơ thể trẻ em
Ở bé M., lỗ thủng nằm ở vách ngăn giữa 2 tâm nhĩ, làm cho máu ở 2 tâm nhĩ trộn lẫn và gây rối loạn dòng chảy của máu trong tim. Ở bệnh nhi này đã xuất hiện tình trạng tăng áp phổi nặng, suy tim và giãn lớn tim phải. Sau hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ nhận định lỗ thông liên nhĩ của bé không thể can thiệp qua da để bít kín được bằng dụng cụ. Do đó, bé được điều trị nội khoa để ổn định tình trạng tăng áp phổi và suy tim, sau đó phẫu thuật tim nội soi để vá lỗ thông liên nhĩ. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi hồi phục nhanh chóng, được xuất viện sớm.
Theo các chuyên gia, cứ 1.000 trẻ sẽ có khoảng 8 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Tại Việt Nam, ước tính số trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh là khoảng 10.000-15.000 trẻ mỗi năm. TS-BS Cao Đằng Khang, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim trẻ em BV Đại học Y Dược TP HCM, cho biết hiện nay nhiều tiến bộ trong điều trị bệnh tim bẩm sinh đã giúp nâng cao hiệu quả điều trị, giảm thời gian nằm viện và tăng chất lượng cuộc sống cho nhiều bệnh nhi. Các phương pháp mới chẩn đoán và điều trị bệnh tim bẩm sinh đã được áp dụng tại khoa như: can thiệp tối thiểu, phẫu thuật tim bẩm sinh ít xâm lấn, sửa chữa toàn bộ các tổn thương bẩm sinh phức tạp cùng lúc, áp dụng quy trình theo dõi bệnh tim bẩm sinh suốt đời…
"Đa số các bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt là bệnh lý phức tạp, không chỉ điều trị một lần, sau phẫu thuật vẫn phải theo dõi suốt đời. Do đó, các bệnh nhi cần được thăm khám định kỳ tại các trung tâm tim mạch chuyên sâu để nâng cao chất lượng cuộc sống" - BS Khang nhấn mạnh.
Một ca điều trị bệnh tim mạch tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
Đặt máy tạo nhịp không dây
Một kỹ thuật mới hoàn toàn vừa được BV Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park triển khai tại Việt Nam là cấy máy tạo nhịp tim không dây Micra. GS-TS-BS Võ Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park, được công nhận là chuyên gia huấn luyện trong cả 2 kỹ thuật khó của tim mạch can thiệp là cấy máy tạo nhịp tim không dây Micra và thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI). Tiêu chuẩn lựa chọn bác sĩ để thực hiện cấy máy Micra rất khắt khe. Toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương hiện mới có 37 người thực hiện được kỹ thuật này.
Bên cạnh cấy máy tạo nhịp tim có dây phổ biến hiện nay để điều trị rối loạn nhịp tim chậm, phương pháp đặt máy tạo nhịp tim không dây vào cơ thể người bệnh với nhiều lợi ích vượt trội như: thời gian thực hiện thủ thuật cấy máy ngắn (30-45 phút), không đau, không để lại sẹo, giúp tim người bệnh đập ổn định hơn so với thiết bị có dây. Đặc biệt, phương pháp này là chỉ định tối ưu cho những trường hợp cơ địa sẹo lồi, dị ứng với kim loại hoặc thể trạng quá gầy. Tại Việt Nam đến nay có 17 ca được can thiệp kỹ thuật nói trên.
"Căn bệnh rối loạn nhịp tim đang ngày càng có xu hướng gia tăng ở Việt Nam với trung bình khoảng 5.000 ca/năm, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Máy tạo nhịp tim không dây Micra đã mang tới một giải pháp mới hữu hiệu trong điều trị với những thành tựu tích cực được thế giới ghi nhận" - GS Võ Thành Nhân nói.
TS-BS Lê Quốc Sử, Giám đốc BV Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park, cho biết với định hướng trọng điểm phát triển lĩnh vực tim mạch, đặc biệt là tim mạch can thiệp, BV được đầu tư trang thiết bị hiện đại cùng với các chuyên gia hàng đầu để triển khai thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, ít xâm lấn, giúp điều trị bệnh hiệu quả và nâng cao chất lượng sống sau điều trị cho bệnh nhân.
Đột phá nong mạch vành
Một tiến bộ khác trong chẩn đoán và điều trị hẹp mạch vành, phòng ngừa nhồi máu cơ tim vừa được hệ thống BV Đa khoa Tâm Anh (TP HCM) triển khai đem lại tin vui cho không ít người bệnh. Ca điển hình được điều trị thành công là một người đàn ông ở Bình Dương bị hẹp mạch vành nặng 90% kèm nhiều bệnh nền. Bệnh nhân được chụp mạch vành với kỹ thuật Cardiac Swing hạn chế thuốc cản quang và đặt stent kích thước lớn lên đến 5 mm. Sau điều trị, ông được xuất viện khỏe mạnh chỉ sau 3 ngày.
Theo BSCK2 Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch BV Đa khoa Tâm Anh, trước đây những người mắc bệnh gan, thận mạn, suy tim kèm bệnh mạch vành luôn e dè khi chụp mạch vành vì lo ngại tác hại của thuốc cản quang. Nay nhờ kỹ thuật Cardiac Swing, chỉ cần 2 lần chụp, với tổng cộng 7-8 ml thuốc cản quang, bác sĩ có thể thu được hình ảnh 3D động mạch vành ở mọi góc độ thay vì 6-8 lần chụp với lượng thuốc đưa vào cơ thể có thể lên đến 20-30 ml như kỹ thuật thông thường. Ngoài ra, trước đây khi muốn đặt stent, do chỉ dựa trên phim chụp mạch vành, các bác sĩ chỉ chọn stent đường kính nhỏ (không quá 3 mm) để tránh vỡ mạch máu. Stent nhỏ sẽ dẫn tới nguy cơ tái hẹp cao (5%), đồng thời gia tăng biến chứng nhồi máu cơ tim do huyết khối. Nay nhờ trang bị hệ thống chụp mạch can thiệp hiện số hóa xóa nền, siêu âm lòng mạch, các bác sĩ có thể dễ dàng đặt stent kích thước lên đến 5 mm, giảm rủi ro nguy cơ tái hẹp xuống dưới 2%.
Bình luận (0)