Ngày 8-4, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết thời gian qua Việt Nam đã ghi nhận một số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Nhiều trường hợp chưa tìm được nguồn lây như: ca bệnh 237 người Thụy Điển, ca bệnh 243 (BN243) ở huyện Mê Linh, Hà Nội và ca bệnh 251 mới được phát hiện tại Hà Nam.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam
Về thông tin cho rằng bệnh nhân 243 (BN243) lây bệnh từ Bệnh viện Bạch Mai và phát bệnh sau 23 ngày trở về từ bệnh viện này, PGS Trần Đắc Phu cho rằng BN243 đến Bệnh viện Bạch Mai từ 12-3, tới ngày 4-4 lấy mẫu và ngày 5-4 có kết quả xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, để đánh giá bệnh nhân bị nhiễm bệnh lâu hay chưa phải xét nghiệm kháng thể, trong khi đó kết quả xét nghiệm được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện không phát hiện kháng thể trong cơ thể bệnh nhân. "Chúng tôi nghĩ rằng, đây là trường hợp mới nhiễm và có thể đặt vấn đề bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng. Bởi trong quá trình điều tra dịch tễ, bệnh nhân này tiếp xúc nhiều người ở nhiều nơi, nhiều vị trí, kể cả những nơi có nguy cơ cao ở những bệnh viện khác chẳng hạn" - ông Phu nói.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh người dân ở khu vực ca bệnh Covid-243 sinh sống - Ảnh: Ngô Nhung
Theo PGS Trần Đắc Phu, với bệnh nhân Covid-19 tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, vấn đề cần ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các giải pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lan rộng. Vì vậy, các địa phương khi gặp các ca nhiễm tương tự, không được mất cảnh giác, chủ quan, nghĩ ngay rằng các ca nhiễm mới có liên quan để ổ dịch cũ. "Hiện việc truy tìm nguồn lây nhiễm đối với ca bệnh này là rất khó, nên thời điểm này việc dập dịch như thế nào mới quan trọng" - ông nhấn mạnh.
Trước đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM, cũng cho rằng virus ủ bệnh trong cơ thể có quy luật sinh học. Hiện thời gian ủ bệnh của virus gây bệnh Covid-19 trung bình 5-6 ngày, tối đa là 14 ngày và không thể lâu hơn được, vì như vậy virus cũng khó có thể tồn tại được. Quá thời gian 14 ngày, virus sẽ gây tổn thương tại vùng hô hấp, bệnh nhân sẽ phát triệu chứng, tùy từng mức độ nặng nhẹ như: Ho, đau rát họng, sốt, khó thở, người mệt mỏi...
Phun thuốc khử khuẩn khu vực sinh sống của bệnh nhân Covid-19 số 243 - Ảnh: Ngô Nhung
Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc giãn cách xã hội rất quan trọng. Vì khi có ca lây nhiễm trong cộng đồng, sẽ không biết ai là người đang nhiễm và không biết đâu là nguồn bệnh. Có thể lúc này chưa ghi nhận nhiều ca lây lan trong cộng đồng nhưng có thể có ca mắc Covid-19 mà không biết.
Việc giãn cách xã hội nhằm mục đích để người bệnh không tiếp xúc với người lành, người lành không tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên, PGS Trần Đắc Phu cho rằng việc này cần được triển khai quyết liệt, triệt để ở tất cả các nơi.
Bình luận (0)