Thạc sĩ, bác sĩ Lê Nguyễn Xuân Điền, Khoa Nội tiết thận, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) cho biết tại bệnh viện tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nữ (35 tuổi, ngụ TP HCM) bị liệt ruột hiếm gặp do Lupus đỏ hệ thống.
Hình chụp CT Scan của bệnh nhân không ghi nhận nguyên nhân thực thể gây tắc nghẽn ruột
Theo đó, bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì nôn ói và đau bụng. Khai thác bệnh sử, khoảng 2 tháng trước đó, bệnh nhân đau các khớp gối, cổ chân, khuỷu… kèm theo tình trạng rụng tóc, nôn ói, đau bụng dai dẳng. Dù đã sử dụng các loại thuốc giảm đau nhưng tình trạng không thuyên giảm.
Tại bệnh viện, qua khám lâm sàng, các bác sĩ nhận thấy, da niêm nhạt, biến dạng khớp liên đốt xa ngón tay 2 bên, biến dạng ngón 1 bàn chân 2 bên.
"Lupus đỏ gây liệt ruột có thể tổn thương cơ trơn, thần kinh hoặc mạch máu ruột. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh sẽ bị nhiễm trùng, thậm chí là tử vong cao" – bác sĩ Điền cho hay.
Sau đó, bệnh nhân được theo dõi Lupus đỏ hệ thống biến chứng khớp, suy giáp - huyết học. Nội soi đại tràng tới đoạn cuối hồng tràng kết quả lồng ruột giãn lớn, rất ít nhu động ruột, sau bơm rửa ruột các bác sĩ chẩn đoán viêm bàng quang sung huyết đường kính 2x2cm. Sau hội chẩn, bệnh nhân bị mắc bệnh Lupus đỏ hệ thống biến chứng giả tắc ruột. Qua hai tuần điều trị ngoại trú với các thuốc hỗ trợ, bệnh nhân nữ 35 tuổi trên không tái phát triệu chứng thêm
"Giả tắc ruột hay còn gọi là liệt ruột, đây là một biến chứng hiếm gặp ở bệnh Lupus đỏ hệ thống với tỉ lệ khoảng 2%. Biểu hiện lâm sàng giống như tình trạng tắc do nguyên nhân khác (đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, bí tiểu…), dữ liệu lâm sàng về bệnh còn hạn chế. Nếu chẩn đoán sai và điều trị chậm trễ, bệnh nhân có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng, với tỉ lệ tử vong nội viện là 7,1%" – bác sĩ Điền chia sẻ
Theo bác sĩ Điền, bệnh dù hiếm gặp nhưng một số trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh như: Bệnh nhân đã từng phẫu thuật ổ bụng; chấn thương cột sống thắt lưng hoặc phẫu thuật vùng chậu; cột sống thắt lưng. Những bệnh nhân bị rối loạn điện giải hoặc toan kiềm, đặc biệt là hạ Kali, hạ Magiê, hạ Natri, hội chứng ure máu cao và tăng đường huyết nặng…
Bác sĩ Điền khuyến cáo giả tắc ruột là biến chứng hiếm gặp của lupus đỏ hệ thống, dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm sẽ tiên lượng điều trị tốt.
Bình luận (0)