Nam bệnh nhân N.V.T. (31 tuổi), là một đầu bếp. Đến hôm nay 1-9, 1 tuần sau biến cố sinh tử, anh đã hồi phục khỏe mạnh, đi lại, ăn uống bình thường. Anh vào cấp cứu lúc 23 giờ đêm 24-8 trong trạng thái lơ mơ, rất mệt, huyết áp chỉ còn 60/40 mmHg, vật vã, choáng tim, mất máu sau tai nạn xe máy. Quy trình báo động đỏ khởi động ngay trong đêm.
TS Nguyễn Duy Tân (bìa trái) và TS Trương Nguyễn Hoài Linh kiểm tra sức khỏe bệnh nhân
Theo TS-BS Trương Nguyễn Hoài Linh, Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu Bệnh viện Thống Nhất, thông thường chấn thương tim dẫn đến vỡ tim thì sẽ có một vết xây xát, bầm tím nặng ở lồng ngực, tuy nhiên bệnh nhân này chỉ có một... vết xước nhẹ. Do bệnh nhân huyết áp tụt dần, các bác sĩ đã quyết định siêu âm kiểm tra tim, phổi và phát hiện máu trong xoang màng tim rất nhiều. Kết quả CT scan sau đó xác nhận bệnh nhân đã vỡ tim, cụ thể là vỡ tâm thất.
Khi vào phòng mổ, huyết áp tụt nặng, bệnh nhân đã gần ngưng tim nhưng do đã được chẩn đoán trước mổ, nên các bác sĩ đã nhanh chóng tiếp cận đúng vị trị. Ước tính có tới 600 ml máu đục, đóng bánh trong xoang màng tim. Các bác sĩ đã nhanh chóng giải phóng lượng máu tồn đọng này và hết sức vui mừng khi thấy tim bệnh nhân nhanh chóng đập lại.
TS Trương Nguyễn Hoài Linh kể về ca mổ ngoạn mục
Bệnh nhân có một may mắn là vết cắt gây vỡ tim ở ngay sát cạnh bên phải của động mạch liên thất xuống trước trái (LAD). Nếu vết thương mà phạm vào động mạch này, bệnh nhân có thể đã mất trên đường chuyển viện hoặc có cứu kịp cũng khó hồi phục.
Sau khi đã đóng ngực, các bác sĩ mới phát hiện một khiếm khuyết ở 1/3 dưới xương ức, biểu hiện của dị tật lõm ngực bẩm sinh. Theo TS Trương Nguyễn Hoài Linh, lõm ngực bẩm sinh là tình trạng có thể ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, tuần hoàn của bệnh nhân, tăng nguy cơ chấn thương tim khi va chạm vùng ngực. Người bị tật này nặng thì cần phẫu thuật, nhẹ thì cần được theo dõi sức khỏe kỹ suốt đời.
TS Hoài Linh mô tả chấn thương của bệnh nhân
Ca mổ kéo dài từ 3 giờ sáng đến gần 7 giờ sáng 25-8. TS Hoài Linh cho biết bệnh nhân sẽ không gặp di chứng nhưng thời gian đầu nên tránh việc nặng.
Theo TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Duy Tân, phụ trách khoa Ngoại Lồng ngực- Mạch máu, các trường hợp chấn thương tim tương tự quan trọng nhất là đưa nạn nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt để kịp "thời gian vàng", bởi sự chèn ép tim khi máu tràn vào màng tim là nguyên nhân chính khiến tim bệnh nhân càng lúc càng yếu, huyết áp tụt rồi ngưng tim.
Bình luận (0)