Trong một bài viết mới đăng tải trên tờ The Conversation, tiến sĩ Monique Tan từ Đại học Queen Mary ở London (Anh) đã cảnh báo không chỉ khẩu vị mà cách bảo quản thực phẩm kiểu Á Châu có thể gây hại cho nhiều người.
Các món rau củ muối tăng hương vị cho món ăn Á Đông và giúp bảo quản được lâu, nhưng góp phần lớn trong việc gây cao huyết áp và các bệnh tim mạch khác.
Quốc gia được chọn để khảo sát là Trung Quốc. Tại đây, người dân có thói quen nêm muối vào món ăn thường xuyên. Không chỉ vậy, các loại thực phẩm được bảo quản bằng muối cũng cực kỳ phổ biến với cách ướp cá, thịt để giữ được lâu, có nhiều món dưa muối, rau củ muối trong bữa cơm, khá giống người Việt Nam.
Theo tiến sĩ Tan, cách ăn và bảo quản thực phẩm này đã "đóng góp" cho Trung Quốc vô số ca cao huyết áp và các bệnh tim mạch khác. Các biến chứng tim mạch bao gồm nhồi máu cơ tim và đột quỵ chiếm tới 40% nguyên nhân gây tử vong tại quốc gia này.
Trong bài công bố trên American Heart Association, nhóm nghiên cứu đã so sánh lượng muối ăn trung bình trong 1 ngày của người dân 13 quốc gia, trong đó cho thấy hầu hết người dân thế giới đều ăn quá chuẩn quy định của WHO là 5 g muối. Trong đó, người Trung Quốc với kiểu ăn giống với nhiều quốc gia châu Á khác có thể là quốc gia tiêu thụ muối nhiều nhất thế giới: 10,9 g/ngày.
Kết quả nghiên cứu này rất đáng suy nghĩ bởi theo kết quả điều tra quốc gia về Yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 tại Việt Nam, người Việt cũng tiêu thụ muối không kém cạnh: 90% ăn đến 10 g muối/ngày, trong đó trung bình nam giới ăn 10,5 g, nữ giới ăn 8,3 g.
Tuy mức khuyến cáo an toàn của WHO vẫn là 5 g muối/ngày trở xuống nhưng thời gian qua, có nhiều nghiên cứu cho thấy mức nên ăn là ít hơn rất nhiều. Một cảnh báo từ Học viện Dinh dưỡng và chế độ ăn uống Mỹ giữa năm 2018 cho thấy chỉ cần ăn trên 1,5 g muối/ngày, bạn đã tự làm tăng cao nguy cơ mắc cao huyết áp.
Theo tiến sĩ Tan, phòng bệnh do muối nên gồm 2 điều: thay đổi khẩu vị và khuyến khích người dân dùng thực phẩm tươi sống nhiều hơn.
Bình luận (0)