Ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, sẽ thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đã giải đáp một số thắc mắc của người dân về vấn đề này. Ông Phu cho biết thời điểm hiện nay đã có dấu hiệu dịch bệnh Covid-19 lây lan ra cộng đồng và ta khó có thể nhận biết ai trong cộng đồng đang nhiễm bệnh, có khả năng lây lan sang người khác, mặc dù có thể con số người có nguy cơ lây bệnh là rất nhỏ. Để thực hiện sớm và quyết liệt các biện pháp phòng bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 mà vấn đề bao trùm là cách ly xã hội.
"Về “cách ly xã hội”, chúng ta phải hiểu rằng biện pháp này nhằm không để người lành (chưa có bệnh) tiếp xúc với người nhiễm bệnh, không để cho người bệnh tiếp xúc với người lành. Và như vậy, sẽ không để dịch bệnh lây lan từ người này qua người khác, từ nhà này qua nhà khác, từ xã này qua xã khác, từ huyện này qua huyện khác, từ tỉnh này qua tỉnh khác"- PGS Phu giải thích.
Trong Chỉ thị 16 cũng nói rất rõ yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết như mua lương thực, thuốc men hoặc đi cấp cứu, hoặc những thứ thiết yếu khác. Mọi người vẫn có thể làm việc trong các nhà máy, sản xuất kinh doanh.
Tuy vậy, việc đi ra ngoài cũng phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách giao tiếp 2 m, bố trí việc đi lại, nơi làm việc một cách hợp lý để bảo đảm phòng bệnh. Nghĩa là không phải cấm toàn bộ, cấm hoàn toàn việc đi ra ngoài nhưng phải đi ra ngoài một cách phù hợp.
Nhiều cửa hàng, quán ăn đã thông báo tạm ngừng kinh doanh để chống dịch Covid-19 cách đây 2-3 tuần
Trả lời câu hỏi về việc "các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng đã bị hạn chế, không ít người dân muốn về quê bằng phương tiện cá nhân", PGS Phu cho rằng việc đi bằng phương tiện cá nhân không có nguy cơ lây bệnh hoặc bị nhiễm bệnh ở cộng đồng như khi tham gia phương tiện công cộng. Nhưng đặt giả sử, nếu người dân bị mắc bệnh, khi về quê sẽ lây lan sang người thân ở quê, hoặc người ở quê mắc bệnh có thể lây sang và sẽ "mang bệnh" về Hà Nội, lây cho người khác... Do đó, người dân không nên về quê trong thời điểm này. "Bạn chỉ nên về quê khi thực sự rất, rất cần thiết" - PGS Phu khuyến cáo.
Vế hình thức mua, bán, giao hàng online để tránh lây lan bệnh dịch, ông Trần Đắc Phu cho nói: "Chúng ta đang khuyến khích hình thức mua bán online để hạn chế việc người dân ra đường và tụ tập đông người, tránh lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, người bán hàng phải áp dụng những biện pháp phòng bệnh tốt để giảm nguy cơ lây nhiễm virus sang hàng hóa (nếu mắc bệnh mà chưa được phát hiện). Khi giao hàng cần giữ khoảng cách giao hàng với người nhận hàng trên 2 m. Chúng tôi khuyến cáo trong lúc này, những ai có dấu hiệu viêm đường hô hấp không đi giao hàng".
Trước đó, ngày 31-3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh các giải pháp về cách ly xã hội không đồng nghĩa với phong tỏa đất nước, Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình. "Đây chưa phải lệnh cấm như các quốc gia đã làm, mà là dự lệnh, khuyến cáo, hạn chế người dân. Không có chuyện phong tỏa, cũng chưa phải là lệnh cấm hoàn toàn người dân ra đường. Chỉ thị đưa ra biện pháp mạnh để hạn chế tiếp xúc đông người, tránh lây nhiễm, hạn chế đi lại"- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bình luận (0)