Bạn đọc KHÁNH LÂM (ở Gia Lai) hỏi: "Nhà tôi cách xa trung tâm thành phố, việc đi lại khi có nhu cầu về y tế không thuận tiện lắm. Ba mẹ tôi bị cao huyết áp nên tôi lo nhất vấn đề bị tai biến. Vậy làm cách nào để biết được người có dấu hiệu bị tai biến?".
TS-BS NGUYỄN BÁ THẮNG trả lời: Tai biến mạch máu não, còn gọi là đột quỵ, có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ là do vỡ mạch máu và tắc mạch máu. Mỗi phút não bị thiếu máu sẽ mất gần 2 triệu tế bào thần kinh, vì vậy cần được cấp cứu khẩn cấp để hạn chế tối đa những tổn thương về não.
Hiện nay, vẫn còn những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như cạo gió, trích máu, uống thuốc truyền miệng, vận chuyển người bệnh bằng xe 2 bánh… Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách, gây hậu quả đáng tiếc.
Để phát hiện sớm một người bị tai biến, cần dựa vào những dấu hiệu ban đầu (còn gọi là quy tắc FAST) như sau:
F - Face (mặt): Người bệnh có thể bị liệt, méo miệng, lệch nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên), thể hiện rõ nhất khi cười mở miệng lớn.
A - Arm (cánh tay): Người bệnh cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu người bệnh giơ 2 tay lên và giữ lại cùng lúc.
S - Speech (nói chuyện): Người bệnh khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường hoặc không hiểu lời nói.
T - Time (thời gian): tranh thủ tối đa thời gian đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc gọi xe cứu thương để được cấp cứu kịp thời.
Bình luận (0)