Ngày 9-9, nhiều người nghiện thuốc lá đủ mọi lứa tuổi đã đến Trung tâm chăm sóc Hô hấp Bệnh viện (BV) Đại học Y dược để được tư vấn cai nghiện thuốc lá vì những người này đã nhiều lần tự bỏ thuốc lá nhưng “lực bất tòng tâm”.
“Tại sao người khác cai được nhưng mình không cai được?”
Anh P.N.L., 48 tuổi, ngụ tại quận 3 TPHCM đến Trung tâm chăm sóc hô hấp – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM để được tư vấn và cai nghiện thuốc lá vì anh đã có “thâm niên” hút thuốc lá 30 năm và đã nhiều lần quyết tâm bỏ thuốc lá nhưng “lực bất tòng tâm”.
Trước tiên, anh L. được các bác sĩ kiểm tra huyết áp, nhịp tim, thăm dò hô hấp ký để tìm nồng độ chất nicotin trong hơi thở và đo mức độ tắc nghẽn của phổi. Qua đo hô hấp, anh được bác sĩ đánh giá mức độ nghiện là trung bình.
Sau đó, anh L. được chuyển sang một bác sĩ khác để tìm hiểu quyết tâm cai nghiện thuốc lá của anh đạt ở mức độ nào.
Tại bàn tư vấn cai nghiện, bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Loan biết được anh L. hút khoảng 10 điếu mỗi ngày và nghiện ở mức nặng vì chính anh L. cho biết anh chưa từng bỏ thuốc được một ngày. Ngay cả rất quyết tâm nhưng sáng anh L. có ý định bỏ thuốc thì chiều lại thấy nhớ mặc dù anh hiểu được hút thuốc rất có hại, mất vệ sinh và cả thua kém bạn bè vì anh luôn tự hỏi: “bạn mình bỏ được nhưng tại sao mình không bỏ được?”. Và anh L. biết được cai thuốc lá là một hành trình khó khăn cần có sự hỗ trợ của bác sĩ vì khi thiếu thuốc anh cảm thấy tim đập nhanh, hồi hộp, uể oải...
Mặc dù vậy, sau khi làm những thăm dò, bác sĩ kết luận mức độ quyết tâm cai nghiện của anh L. cũng chỉ ở mức độ trung bình, do đó anh không thể một mình “cắt đứt” với tình trạng nghiện thuốc lá.
Để cai thuốc lá thành công, bác sĩ Hồng Loan khuyên anh L. nên bỏ tất cả thuốc lá trong nhà, bỏ những dụng cụ liên quan đến thuốc lá như gạt tàn, diêm quẹt, thay vào đó là luôn luôn mang theo kẹo cao su bên mình. Ngoài ra phải biết từ chối và trả lời thẳng thắng “tôi đang cai thuốc lá” khi có ai mời thuốc, cố gắng kháng cự những cơn thèm thuốc bằng mọi cách. Nếu quá thèm, trong suốt tuần cai thuốc đầu tiên chỉ nên hút 1 điếu thuốc. Đây quả thật là điều quá khó khăn với anh L. cũng như tất cả những ai muốn bỏ thuốc lá. Bên cạnh đó anh L. còn được bác sĩ Hồng Loan phát 1 hộp thuốc Nicostop để uống hỗ trợ uống 1 viên vào buổi sáng mỗi ngày và tái khám vào tuần sau để bác sĩ kiểm tra mức độ cai nghiện đến đâu đồng thời kiểm tra lại huyết áp, tim mạch, phổi...
Không có ý tưởng sáng tạo nếu không có thuốc lá
Hầu hết những người đến tham gia chương trình hỗ trợ cai thuốc lá tại BV Đại học Y Dược đều đã từng tự bỏ thuốc nhiều lần nhưng đều thất bại. Ngay cả những người chỉ hút thuốc lá vài năm như anh N.Đ.K., 28 tuổi, kỹ sư viễn thông, ngụ tại quận Bình Thạnh TPHCM không những không thể bỏ thuốc mà cứ sau mỗi lần “quyết tâm cai nghiện” thì anh lại hút nhiều hơn.
Ban đầu anh thử hút chỉ vài điếu trong ngày, sau đó tăng lên 7 điếu, rồi 10 điếu, rồi cả gói. Và cho đến bây giờ mỗi khi rời xa điếu thuốc anh K. lại cảm thấy trồng trãi, căng thẳng, thậm chí lo lắng, sợ hãi điều gì đó. Chưa kể, nếu anh K. không hút thuốc lá một ngày thì hiệu quả công việc giảm sút, mệt mỏi, không có tinh thần làm việc, không có ý tưởng sáng tạo...
Bác sĩ Hồng Loan cho biết trường hợp của anh K. nghiện thuốc lá rất khó cai vì anh không bị những tác động cám dỗ từ phía bên ngoài mà việc hút thuốc lá đã gây những ảnh hưởng sâu đến hoạt động cơ thể như tim, phổi, thần kinh... Đối với trường hợp anh K. cần rất nhiều nỗ lực để cắt cơn nghiện thuốc lá và cần được theo dõi, tái khám thường xuyên để kiểm tra chức năng hô hấp.
Nhiều tác dụng phụ trong khi cai thuốc lá
Thạc sĩ – bác sĩ Lê Khắc Bảo, Trung tâm Chăm sóc Hô hấp – BV Đại học Y dược TPHCM, cho biết về tác hại của thuốc lá gần như ai cũng biết nhưng để bỏ thuốc lá là một đòi hỏi quá lớn.
Quá trình cai thuốc lá diễn ra trong 9 tuần, ở tuần đầu tiên người cai thuốc được phép hút 1 điếu thuốc nếu quá thèm và mỗi ngày uống 1 viên thuốc Bupropion (Nicostop) vào buổi sáng. Từ tuần thứ 2 trở đi, bệnh nhân uống 2 viên Bupropion mỗi ngày, cách nhau 8 giờ và không được uống vào buổi tối vì sẽ làm mất ngủ.
Trong quá trình này người cai thuốc sẽ luôn thấy thèm thuốc, bị bạn bè cám dỗ hút thuốc lá, cảm thấy nhớ nhung thuốc lá và bị những tác dụng phụ do cai thuốc lá. Chính những điều này dễ làm người đang cai thuốc lá nản lòng và hút thuốc trở lại. Những tác dụng phụ dễ gặp phải khi ngưng hút thuốc lá là bứt rứt, kích thích, cáu gắt, dễ nổi giận, lo lắng, khó tập trung, mất kiên nhẫn, thèm ăn nhiều hơn... Đến tuần thứ 9, những tác dụng phụ này sẽ biến mất nhưng cảm giác thèm ăn vẫn còn và người cai thuốc có thể tăng gần 2 kg.
Ngoài ra, những người quyết tâm từ bỏ điếu thuốc còn cảm thấy nhức đầu, khô miệng, khó ngủ..., đây là tác dụng phụ của thuốc Bupropion gây ra. Theo bác sĩ Bảo, biện pháp này giúp 60% cai được thuốc lá hoàn toàn sau 9 tuần, còn một số khác hút thuốc trở lại sau đó do quyết tâm không cao. Sau 9 tuần này, bệnh nhân cần tiếp tục tái khám trong vòng một năm để ngăn ngừa tình trạng tái nghiện và để điều trị những bệnh lý do thuốc lá gây ra nếu có.
Nhiều tác hại do hút thuốc lá Theo Thạc sĩ - bác sĩ Lê Khắc Bảo, Việt Nam có tỉ lệ nam giới hút thuốc lá chiếm 70%, chiếm tỉ lệ cao nhất thế giới. Ngoài nicotin, trong thuốc lá có đến 4.000 chất gây độc hại cho cơ thể như ung thư miệng hầu, ung thư thực quản – dạ dày, bệnh mạch vành, viêm động mạch chi dưới, tai biến mạch máu não, ung thư thanh quản – khí quản, ung thư phổi, ung thư tụy, suy hô hấp, ung thư thận – bàng quang, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), loãng xương, sạm da, rối loạn cương, vô sinh, sẩy thai, suy dinh dưỡng bào thai, ung thư cổ tử cung, mãn kinh sớm, đục thuỷ tinh thể... |
Bình luận (0)