Câu chuyện này được TS-BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng Khoa Nội Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, kể ra tại tọa đàm "Viêm não Nhật Bản và viêm màng não mô cầu" do Hội Y học Dự phòng Việt Nam phối hợp cùng Công ty Sanofi Việt Nam tổ chức tại TP HCM ngày 15-4, hưởng ứng Ngày viêm màng não thế giới (24-4).
Con của người mẹ này 9 tháng tuổi mắc viêm não Nhật Bản và đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Một tuần nằm viện mặc dù được các bác sĩ cứu sống nhưng em chỉ nằm im một chỗ.
Nghe bác sĩ thông báo con trai sẽ không thể hồi phục như trẻ bình thường vì di chứng "chậm phát triển nhận thức hậu viêm não Nhật Bản", người mẹ sốc nặng. Chị trèo lên lan can phòng bệnh của con định tự tử, song được ngăn cản kịp thời.
Hai chuyên gia tại buổi tọa đàm
Bác sĩ Hải cho biết viêm não Nhật Bản là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của não, gây ra do vi rút viêm não Nhật Bản. Trâu, bò và lợn là ổ chứa vi rút. Bệnh lây truyền từ gia súc sang người qua đường trung gian muỗi đốt. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh lưu hành quanh năm, đỉnh dịch là mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 8.
Viêm màng não do não mô cầu và viêm não Nhật Bản là nỗi "ám ảnh" của cả người dân và nhân viên y tế. Do bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi đó viêm màng não do não mô cầu thường có diễn tiến rất nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ.
Trước đây, hằng năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 500 đến 600 trẻ viêm não, trong đó, quá một nửa là trẻ mắc viêm não Nhật Bản. Đến nay, nhờ hiệu quả của tiêm chủng vắc- xin, tỉ lệ này giảm sâu, còn khoảng 30-50 ca viêm não Nhật Bản mỗi năm.
Bình luận (0)