xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần giải pháp lâu dài trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế

Hải Yến thực hiện

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Dược học TP HCM - cho rằng Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ chỉ nhằm cấp bách gỡ khó; về lâu dài cần sửa luật theo hướng trao quyền tự chủ cho các bệnh viện

* Phóng viên: Trước những khó khăn của ngành y tế trong công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, mới đây, Chính phủ lần lượt ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30 nhằm tháo gỡ vướng mắc. Động thái này có mang lại tác động tích cực cho ngành y tế?

- Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Nghị quyết 30 và Nghị định 07 là động thái rất tích cực của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các bệnh viện đang gặp phải. Cụ thể đã giải quyết được vướng mắc về số lưu hành và giấy phép nhập khẩu các trang thiết bị y tế; bảo đảm thuốc, thiết bị, vật tư, trong đó cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Điều này được mong đợi sẽ giải quyết tình hình trước mắt, với điều kiện việc áp dụng phải quyết liệt, khẩn trương và đồng bộ giữa các ngành, chứ không chỉ ngành y tế.

Cần giải pháp lâu dài trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế - Ảnh 1.

Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN

* Nghị quyết 30 và Nghị định 07 có đủ để giải quyết những khó khăn về lâu dài liên quan đến công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế?

- Những quy định mới của Nghị quyết 30 và Nghị định 07 chỉ mang tính chất "chữa cháy", giải quyết những khó khăn cấp bách, còn về lâu dài, cần phải xem lại.

Khi nói đến những vướng mắc về trang thiết bị y tế với đơn vị sự nghiệp công lập, tôi cho rằng vướng đầu tiên là tiền đâu để mua. Thực tế, đầu tư của nhà nước cho các bệnh viện để mua sắm trang thiết bị rất hạn hẹp. Nếu có thì loay hoay làm dự án, khi bắt tay vào đấu thầu thì đã lạc hậu. Vì vậy thời gian qua, đầu tư này không đáng kể, còn nhỏ so với nhu cầu nên bệnh viện phải phát huy nguồn khác từ xã hội hóa như đặt máy, mượn máy… Nghị định 07 và Nghị quyết 30 chưa đề cập chuyện "tiền đâu". Điều này phụ thuộc vào cơ chế tài chính. Do đó, nhà nước phải quan tâm hơn cho ngành y tế.

Cần giải pháp lâu dài trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế - Ảnh 2.

Chụp X-quang ở Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) Ảnh: NGỌC DUNG

Những khó khăn thời gian qua có liên quan đến các quy định về quản lý trang thiết bị y tế như gia hạn số lưu hành, giấy phép nhập khẩu… khiến việc nhập khẩu trang thiết bị y tế bị đình trệ. Thậm chí có những đơn vị tư nhân muốn mua máy nhưng về đến cảng vẫn không thông quan được. Những khó khăn đó, Nghị định 07 đã gỡ. Tuy nhiên, việc gia hạn chỉ đến ngày 31-12-2024. Như vậy, sau ngày này thì khó khăn lại tái diễn? Do vậy, cần có giải pháp căn cơ hơn.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, muốn mua máy móc, thiết bị y tế phải đấu thầu. Trong khi đó, quy định đấu thầu rất cứng nhắc, coi trang thiết bị y tế như các mặt hàng khác và đòi… 3 báo giá. Tuy nhiên, có một số trang thiết bị chỉ một nơi sản xuất thì không thể có 3 báo giá. Điều này vô hình trung gây cản trở khiến họ không thể tham gia dự thầu và bị loại. Nghị quyết 30 đã gỡ bỏ quy định 3 báo giá.

Cần lưu ý quy định trên chỉ mang tính tạm thời vì bản chất của nó vẫn chỉ là nghị quyết. Nếu sau này thanh tra, kiểm toán thì có được chấp nhận hay không khi căn cứ vào Nghị quyết 30. Năm 2021 cũng đã có Nghị quyết 30 của Quốc hội nhằm tạo điều kiện mua sắm trang thiết bị y tế trong thời kỳ dịch bệnh cho các đơn vị. Tuy nhiên, các đơn vị thanh tra, kiểm toán lại không căn cứ vào nghị quyết này. Do đó, những gì chúng ta cần làm hiện nay là hãy tận dụng những điều kiện cho phép của Nghị định 07 và Nghị quyết 30 vừa ban hành để giải quyết rốt ráo tình trạng thiếu thốn đang có. Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ, kể cả các ngành khác cũng cần nắm được tinh thần Nghị quyết 30 để sau này không gây khó cho các đơn vị.

* Vậy giải pháp nào để giải quyết tận gốc những khó khăn liên quan đến thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế?

- Để giải quyết tận gốc vấn đề, thời gian tới, cần khẩn trương sửa đổi luật, nghị định, thông tư liên quan đến việc nhập khẩu, cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để làm căn cứ lâu dài, vững chắc, cụ thể ở đây là Luật Đấu thầu.

Mong rằng sắp tới Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu sửa đổi phải có những quy định riêng biệt dành cho thuốc và trang thiết bị y tế với sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bởi một mình ngành y không đủ khả năng khi xây dựng Luật Đấu thầu, các nghị định, thông tư về mua sắm trong khi trang thiết bị y tế, thuốc có rất nhiều đặc thù. Ngoài ra, Chính phủ có thể thành lập trung tâm tiếp liệu quốc gia với sự tham gia của các chuyên gia kiểm toán, thanh tra, công an để bảo đảm mua sắm đúng luật.

* Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng về thuốc, trang thiết bị y tế diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trước đây. Ở nước ngoài có xảy ra tình trạng này không và họ giải quyết như thế nào?

- Khi xảy ra dịch bệnh, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều bị đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh tạm lắng, hoạt động này ở nhiều nước trở lại bình thường. Ở Việt Nam, do cơ chế bất cập nên những vướng mắc liên quan đến việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đã tồn tại nhiều năm nay và dịch bệnh xảy ra là giọt nước tràn ly.

Theo tôi được biết ở nhiều nước trên thế giới họ không đặt nặng đấu thầu mà theo cơ chế tự chủ của bệnh viện. Họ duy trì hệ thống công lập đủ mạnh để bảo đảm người nghèo, người chữa bệnh bằng BHYT được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Vì vậy, tôi cho rằng đã đến lúc xem lại có nhất thiết cái gì cũng phải đấu thầu? Hãy giao quyền tự chủ rõ ràng với gói định suất trên số lượng và quy mô bệnh tật của bệnh nhân ở các bệnh viện công lập để các đơn vị tự kiểm soát thất thoát khi mua sắm trang thiết bị như ở các bệnh viện tư nhân. Trước khi làm đại trà thì có thể lựa chọn một số bệnh viện để thí điểm. 

Cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế

Một số chuyên gia cho rằng ngành y tế cần nhanh chóng điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành dịch vụ (hiện mới tính 4/7 yếu tố cấu thành).

Theo ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, dù được tự chủ toàn diện nhưng thực tế giá viện phí vẫn tuân thủ quy định của luật pháp hiện hành. Hiện tại chỉ có một quy định về giá khám chữa bệnh bằng giá của BHYT. Ví dụ, giá siêu âm ổ bụng cho người bệnh thì các bệnh viện thu giá dịch vụ khám theo yêu cầu từ 110.000-150.000 đồng. Tuy nhiên, hiện tại bệnh viện thu bằng giá của BHYT là 43.900 đồng.

Cũng cho rằng cần sớm điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu thực tế những lần tiền lương cơ sở được điều chỉnh nhưng nhiều năm sau đó, giá dịch vụ y tế vẫn giữ nguyên. Vì không tính đúng, tính đủ nên các cơ sở khám chữa bệnh không có nguồn thu dẫn đến hàng loạt khó khăn, trong đó có việc không có tiền đầu tư cơ sở vật chất.

N.Dung

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo