Chị Trần Thị Tuyết (SN 1980, chị ruột Thoa) kể lại: “7 giờ 30 phút ngày 21-12, tôi đến nhà thấy Thoa đang đau bụng nhẹ nhưng chưa ra nước ối. Khoảng 8 giờ, tôi đưa Thoa đi khám tại một cơ sở y tế tư nhân gần nhà thì được thông báo đã có dấu sinh, nên tiếp tục đưa Thoa ra Bệnh viện Đa khoa huyện Thoại Sơn. Y tá V.T.B.H cho biết vẫn chưa cần nhập viện, khi nào đau nhiều mới làm thủ tục. Đến 15 giờ, thấy em tôi đau nhiều nên tôi xin phép bác sĩ cho mổ. Bệnh viện không đồng ý với lý do “Đang có dấu hiệu sinh, có thể sinh bình thường, không cần mổ”. 20 phút sau, Thoa được đưa lên bàn sinh. Nhưng vài phút sau đó, bác sĩ Đ.T.M.H cho chúng tôi hay “Sản phụ không rặn nổi, gia đình tính thế nào?”. Chúng tôi quyết định để bác sĩ mổ lấy đứa bé ra. Đến 16 giờ, hộ lý ẵm đứa bé cho chúng tôi, thông báo Thoa đang được khâu vết mổ, khoảng 1 giờ sẽ xong. Tuy nhiên, chúng tôi đợi đến khoảng 18 giờ vẫn không thấy Thoa đâu. Nhiều lần hỏi các y, bác sĩ trong êkíp mổ, chúng tôi được trấn an rằng Thoa vẫn ổn, đã được cắt tử cung và không có biến chứng gì. Mặc dù vậy, chúng tôi thấy nước biển, máu và nước nóng liên tục được đưa vào phòng mổ. 18 giờ 30 phút, một hộ lý thông báo: “Sản phụ đang trong tình trạng nguy kịch, người nhà tính sao?”. Gia đình tôi xin chuyển viện lên tuyến trên ngay lập tức để giữ tính mạng Thoa. Khi ấy, Thoa đã hôn mê, không nhận thức được xung quanh. Tôi nóng ruột nên nhiều lần yêu cầu y, bác sĩ nhanh chóng chuyển viện cho Thoa giùm, thủ tục giấy tờ làm sau cũng được. Nhưng mãi đến gần 21 giờ, xe cấp cứu mới chở Thoa đi ra Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Tuy nhiên, em tôi vẫn không qua khỏi. 7 giờ 30 phút ngày 22-12, Thoa trút hơi thở cuối cùng...”.
Anh Dương Văn Phúc (SN 1985, chồng sản phụ Trần Thị Thoa) đau buồn: “Vợ chồng tôi đã có đứa con gái 6 tuổi. Khi sinh bé, Thoa rất khỏe mạnh, dễ sinh, không gặp bất trắc gì. Cứ nghĩ lần sinh sau cũng dễ dàng như thế, nào ngờ…Chúng tôi rất cẩn trọng trong việc chăm sóc thai nhi, nên tháng nào cũng đi khám thai. Nhiều lần chúng tôi đến khám tại cơ sở y tế của bác sĩ Đ.T.M.H, vị bác sĩ này khẳng định sức khỏe người mẹ và đứa bé trong bụng rất tốt, không có dấu hiệu gì đáng lo. Giờ vợ tôi không may đã mất, tôi chỉ biết gác buồn đau để tiếp tục đi làm nuôi hai đứa trẻ. Tội nghiệp, cháu bé mới chào đời đã mồ côi mẹ, không ai chăm sóc nên được bà con họ hàng xúm nhau nuôi. Tôi rất mong lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Thoại Sơn, ngành chuyên môn sớm có kết luận nguyên nhân tử vong của vợ tôi, xem đó là do khách quan hay lỗi từ các y, bác sĩ của Khoa Sản? Nếu thật sự có sai sót của êkíp trực, tôi yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời có trách nhiệm giải quyết hậu quả cho gia đình tôi”.
Ngoài việc bức xúc các y, bác sĩ chậm trễ trong việc xử lý tình huống và chuyển viện đối với Trần Thị Thoa, gia đình còn thắc mắc vấn đề: “Vì sao khi làm thủ tục cho Thoa chuyển viện xong rồi, các y, bác sĩ lại yêu cầu gia đình tôi đưa đứa bé mới sinh về nhà chăm sóc, thay vì ở lại bệnh viện vài ngày để bé cứng cáp như những trường hợp sinh nở khác?”.
Theo giấy ra viện của Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, sản phụ Trần Thị Thoa bị sốc mất máu, trụy tim mạch, băng huyết sau sinh, cắt bán phần tử cung. Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp bù máu dịch, thở máy. Phóng viên liên hệ Bệnh viện Đa khoa huyện Thoại Sơn, được bác sĩ Phạm Bửu Hoàng, Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Ngày 23-12, gia đình sản phụ Trần Thị Thoa có đến bệnh viện yêu cầu làm rõ vụ việc. Ban Giám đốc ghi nhận thông tin và hứa sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Trong vài ngày tới, Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh sẽ họp với Bệnh viện Đa khoa huyện Thoại Sơn để đánh giá vụ việc. Khi ấy, chúng tôi mới có thể trả lời ai đúng ai sai, sai ở khâu nào. Nếu lỗi từ êkíp trực thì chúng tôi sẽ có động thái giải quyết thỏa đáng...”.
Bình luận (0)