Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình hình sử dụng TLĐT ở nhóm tuổi 13-15 vào năm 2022 là 3,5%, so với năm 2019 là 2,6%. Xu hướng sử dụng TLĐT đang gia tăng ở nhóm tuổi 15-24 (chiếm 7,3%) so với các nhóm 25-44 tuổi (chiếm 3,2%) và nhóm 45-64 tuổi (chiếm 1,4%).
Điều này cho thấy nếu chỉ kêu gọi, tuyên truyền là chưa đủ, cần phải có biện pháp chế tài nghiêm minh đối với các mặt hàng buôn lậu kém chất lượng, trá hình, cũng như xử phạt những đối tượng chưa đủ tuổi sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Để làm được điều này, việc ban hành luật kiểm soát TLĐT, TLLN là cấp thiết.
Giới trẻ mù mờ trong "ma trận"
Không như thuốc lá điếu, TLTHM rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Phổ biến trên thị trường "chợ đen" hiện nay là TLĐT và TLLN. Cả hai dòng sản phẩm này đều hoạt động bằng thiết bị điện tử, không đốt cháy trực tiếp điếu thuốc như thuốc lá điếu thông thường. Thế nhưng, dường như hai nhóm sản phẩm này đang phục vụ cho các nhóm đối tượng khác nhau.
Thực tế ghi nhận, TLLN chưa phải là món hàng mà giới trẻ yêu thích bởi sản phẩm này không chứa các chất tạo hương vị như trái cây, sô-cô-la, bắp rang bơ… hay tạo màu cho "khói" để gây thu hút giới trẻ hiện nay. Về cơ bản, TLLN chỉ làm nóng nguyên liệu thuốc lá thật, và người dùng chỉ được sử dụng đúng liều lượng thuốc lá, nicotine mà nhà sản xuất cung cấp, nên chỉ ai đã từng hút thuốc lá điếu mới chuộng loại sản phẩm này. Do đó, đến nay chưa có báo cáo nào tại Việt Nam cho thấy TLLN đang thu hút giới trẻ. Một nghiên cứu năm 2018 tại Nhật Bản trên 60.000 học sinh cấp 2 và cấp 3 cho thấy, chỉ có 0,1% trong số họ sử dụng sản phẩm TLLN hằng ngày và đều đã từng hút thuốc lá điếu trước đó. Đồng thời, Nhật Bản vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào sau khi sử dụng TLLN sẽ chuyển sang hút thuốc lá điếu.
Trong khi đó, TLĐT phức tạp hơn vì có ít nhất hai cơ chế hoạt động, mặc dù cùng làm hóa hơi dung dịch có chứa hoặc không chứa nicotine.
Dù biết TLĐT đang cầm trên tay là hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng nhưng em N.H.L. (học sinh cấp 3 ở TP HCM), không ngần ngại hút thử vì nghĩ rằng mình không hút nicotine là tốt rồi, do sản phẩm được quảng cáo là chỉ có mùi thơm, mà dùng lại nhìn "ngầu", "chất", chỉ "chill" chứ không nghiện.
Thuốc lá điện tử hệ thống mở dễ bị pha trộn chất cấm
Chính sự ngây thơ này của một bộ phận thanh thiếu niên không nhỏ như L. đã gây ra sự bất an trong phụ huynh và xã hội hiện nay.
Ảnh hưởng về kinh tế, xã hội
Bên cạnh hệ lụy về sức khỏe thế hệ trẻ, tình trạng TLTHM lậu tràn lan cùng với những sản phẩm trá hình chứa chất cấm còn gây khó khăn cho công tác quản lý thị trường, ảnh hưởng lớn về kinh tế, xã hội và làm thất thu ngân sách Nhà nước. Nhiều báo cáo cho thấy, khi bắt được tội phạm buôn lậu TLTHM, cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác định danh tính sản phẩm, dù phải đem sản phẩm đi thẩm định nhưng sau đó vẫn chỉ có thể áp dụng mức phạt chung chung đối với "hàng hóa không rõ nguồn gốc, chứng từ".
Cuối năm 2022, Công an TP Hà Nội đã bắt lô TLĐT lậu trị giá 4 tỉ đồng với 9.000 sản phẩm vape/pod. Nếu tính theo mức phạt trong Nghị định xử phạt buôn lậu thuốc lá mới nhất năm 2022, Nhà nước sẽ thất thoát hàng trăm tỉ đồng từ những vụ buôn lậu tương tự khi các sản phẩm này chưa được đưa vào quản lý.
Trong các cuộc hội thảo, tọa đàm về TLTHM, giới chuyên gia cũng đã tranh luận xoay quanh chủ đề quản hay cấm sản phẩm này. Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từng đặt vấn đề: "Vì sao hiện nay chưa cho phép lưu hành TLTHM, các cơ quan quản lý cũng tích cực trong công tác phòng chống hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, mà những sản phẩm này vẫn tràn ngập trên thị trường?".
Ông Đoàn Ngọc Toàn, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát Chống buôn lậu Hàng giả và Bảo vệ Quyền sở hữu Trí tuệ - Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, đánh giá TLĐT và TLLN đã xuất hiện tại Việt Nam nhiều năm, vì vậy nên tạo ra một hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ để các cơ quan thực thi pháp luật.
Còn về phía đại diện Bộ Tư pháp, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, cho rằng nếu xét theo luật thì đã có quy định khái niệm thuốc lá là sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá. Trong nhóm TLTHM, TLLN là sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá. Do đó, TLLN mặc định được xem là thuốc lá nên không có rào cản pháp lý đối với việc đưa sản phẩm này vào quản lý theo luật hiện hành, bao gồm Luật Đầu tư (quy định thuốc lá là ngành được phép kinh doanh có điều kiện) và Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng khẳng định nếu đưa TLLN vào luật hiện hành thì hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ người hút thuốc, đẩy TLTHM tránh xa giới trẻ và tránh thất thoát ngân sách Nhà nước. Đồng thời, khi quản lý, việc có chế tài xử phạt nghiêm minh cũng sẽ tăng hiệu quả giảm tỉ lệ người hút thuốc.
Bình luận (0)