Vì còn thừa khá nhiều ngày phép từ năm cũ nên dịp Tết này, anh N.V.B (quận Tân Bình, TP HCM) dự định nghỉ phép trong dịp Tết và tổ chức chuyến du Xuân dài ngày cho cả nhà. Trước khi nghỉ, anh B. tranh thủ cùng bạn bè tổ chức những buổi tiệc tất niên sớm. 5 ngày trước chuyến đi, anh bỗng thức dậy với bàn chân trái đau không chịu nổi. Nghĩ đêm qua lạnh nên đau nhức sơ sơ, anh chỉ xoa dầu rồi đi làm bình thường nhưng đến trưa, vết thương càng nhức, anh phải nhờ đồng nghiệp đưa vào viện và được chẩn đoán là gout cấp tính. “Vé du Xuân đã đặt mà bây giờ BS bảo sớm thì 5-7 ngày mới hết đau, chậm thì phải 2 tuần” - anh than thở khi đang ngồi đợi lấy thuốc tại Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định.
Vui quá hóa khổ
N.H.T.C (45 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) là trường hợp khác. Anh hay bị đau khớp gối mỗi khi trở trời do một chấn thương cũ bên đầu gối phải nên tự nhủ cần đi đứng cẩn thận để “giữ sức”, Tết còn đưa vợ con về quê ở miền Trung. Một buổi cuối tuần, anh C. cùng nhóm bạn tổ chức tất niên sớm tại nhà. Đến tối, khi mọi người về hết, do quá chén và trong người có cảm giác nóng bức nên anh đem ghế bố ra ban công lướt web một chút rồi ngủ luôn lúc nào không hay. Có lẽ quen với cái nóng của miền Nam từ nhỏ nên đêm Sài Gòn những ngày sang Xuân khoảng 20 độ C, cùng với cơ thể mệt mỏi sau ngày tiệc tùng nên sáng hôm sau, anh C. bị cảm nặng do nhiễm lạnh, đầu gối bên phải bỗng đau khủng khiếp vì chứng viêm khớp tái phát.
BS Mai Văn Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - chỉ đạo tuyến BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết những trường hợp phải vào viện vì đau khớp sau những đêm tiệc tùng là không hiếm trong thời điểm cận Tết và thậm chí là sau Tết. “Thủ phạm chính là những bàn cỗ Tết với nhiều thịt, ít rau xanh và quá nhiều bia, rượu. Người có bệnh sẵn đã đành, có người chưa từng bị một chứng bệnh nào về xương khớp cũng phải vào viện vì cơn đau không chịu nổi của gout cấp tính sau một đêm quá chén” - BS Thu cho biết.
Đau do nhiều nguyên nhân
Theo BS Đinh Văn Thủy, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nhân dân Gia Định, cơn đau khớp có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, từ những thứ bệnh nhân ăn vào cho đến không khí trở lạnh trong những ngày đầu Xuân, nhất là ở những người đã có tiền sử viêm khớp, gout... Đối với người chưa từng bệnh mà bỗng dưng bị đau thì đó có thể là một dạng viêm khớp cấp tính, gout cấp tính... Với những buổi tiệc nhiều đạm và rượu ngày Tết, chứng gout cấp tính phải cần được lưu ý. Nếu chữa trị đúng cách bằng thuốc, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để hạ mức acid uric thì các triệu chứng đau, viêm có thể giảm dần. Tuy nhiên, nếu cứ để vậy và tiếp tục ăn uống bất hợp lý thì sự ứ đọng acid uric có thể làm... hỏng khớp, dẫn đến bệnh mạn tính. “Để có thể biết chính xác vì sao đau và giải quyết dứt điểm, tốt nhất bệnh nhân nên đến BV để được BS khám chứ đừng tìm cách tự giải quyết” - BS Thủy khuyên.
Trong các nguyên nhân làm khớp “trở chứng”, rượu vẫn luôn là thứ được các BS cảnh báo nhiều nhất. “Uống rượu nhiều sẽ gây ra phản ứng giãn mạch, mất nhiệt nên dễ dẫn đến đau mỏi các khớp xương. Nếu trong tình huống phải “gánh” thêm các yếu tố thời tiết, dinh dưỡng khác nữa thì bệnh trở nặng là hoàn toàn dễ hiểu. Điều đáng nói là nhiều người cho rằng vào những ngày Tết khó mà từ chối việc bị mời bia, rượu nhưng cần nhớ rằng khi đã đau khớp mà còn uống thì dù có dùng thuốc cũng không thể khỏi” - BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, lưu ý.
Nên duy trì bữa cơm gia đình
Theo BS Mai Văn Thu, cho dù có vào viện để “cầu cứu” BS thì biện pháp chủ đạo để giải quyết cơn đau do gout cấp tính vẫn là chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt. Vì thế, bệnh nhân, đặc biệt là những người đã từng bị gout cấp tính, có tiền sử bệnh về khớp... nên lưu ý giảm bớt việc sử dụng đạm và bia, rượu trong dịp lễ, Tết ngay từ đầu. Các gia đình nên chuẩn bị thực phẩm đầy đủ để duy trì bữa ăn lành mạnh, nhiều rau xanh vào những lúc không phải đi thăm hỏi họ hàng, bạn bè nhằm giảm thiểu tác động của những loại thực phẩm có hại cho khớp.
Bình luận (0)