Tại Hồng Kông, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe (Center for Health Protection) khẳng định, đặc khu hành chính này đã có thêm một nạn nhân bị nhiễm khuẩn ăn thịt người. Đó là ông Tseung Kwan O, 57 tuổi, đã phải nhập viện hôm 10-8, hai ngày sau khi ông bị ngã trong một khu chợ ẩm ướt. Sau khi bị ngã, ông Tseung Kwan O đã bị một vết thương hở ở chân trái và vết thương đã bị khuẩn độc xâm nhập. Sở Y tế Hồng Kông cho rằng thủ phạm gây bệnh chính là khuẩn vibrio vulnificus.
Trường hợp của ông Tseung Kwan O là trường hợp thứ tư ở Hồng Kông trong năm nay. Trường hợp thứ nhất là ông Fanling, 78 tuổi, ông đã bị thương ở cánh tay phải hôm 10-5, sau đó vết thương sưng tấy, tuy đã được đưa vào Bệnh viện North District, nhưng ông đã qua đời chỉ một ngày sau đó. Trường hợp thứ hai là bà Tai Po, 62 tuổi, bà bị nhiễm khuẩn vibrio vulnificus qua vết thương ở mắt cá chân trái hôm 4-6. Bà đã được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Alice Ho Miu Ling Nethersole ngày 5-6 nhưng đã qua đời ngày 9-6. Trường hợp thứ ba là của bà Kwun Tong, 55 tuổi, bà đã bị nhiễm khuẩn ở đầu gối chân trái hôm 7-7. Ngày 9-7, bà đã được đưa tới Bệnh viện United Christian và hiện vẫn đang được điều trị tại đó. Không ai trong những trường hợp trên di chuyển dài ngày trước khi nhiễm bệnh.
Theo thống kê, có ít nhất 11 loại vi khuẩn vibrio có thể gây bệnh cho con người, nhưng vibrio vulnificus là loại vi khuẩn gây ra hầu hết các ca tử vong trong vòng 15 năm qua. Các nhà khoa học cho rằng khuẩn vibrio vulnificus không phải là hậu quả của sự ô nhiễm môi trường. Dạng hình thành của vibrio vulnificus là các sinh vật sinh sống trong môi trường nước mặn và lây nhiễm qua vết thương hở. Thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 là thời gian thích hợp nhất cho vibrio vulnificus phát triển vì thời tiết lúc này ấm áp. Vibrio vulnificus có thể gây nhiễm trùng máu và tử vong chỉ trong một ngày, đặc biệt là nhũng người có bệnh lý về gan và hệ miễn dịch yếu. Những người khỏe mạnh cũng có nguy cơ lây nhiễm vibrio vulnificus nếu khuẩn này có cơ hội tiếp xúc với vết thương hở. Sau khi bị nhiễm khuẩn, người bệnh sẽ có triệu chứng nôn mửa. tiêu chảy, đau bụng... Ở người có bệnh lý về gan và hệ miễn dịch yếu, vibrio vulnificus gây nhiễm trùng máu và đe dọa đến tính mạng với các triệu chứng như sốt cao, ớn lạnh rùng mình, vết thương ở da thêm nghiêm trọng, sốc nhiễm trùng. Nhóm người này có nguy cơ nhiễm khuẩn cao gấp 80 lần người bình thường và nguy cơ tử vong ca gấp 2001ần.
Để phòng nhiễm khuẩn vibrio vulnificus, giới y học khuyến cáo nên tránh bị những vết thương khi tắm biển hoặc tắm nước mặn, rửa sạch những vết thương hở và băng bó cẩn thận; đeo găng tay khi chế biến hải sản; nấu chín hải sản trước khi ăn; đối với những hải sản có vỏ hoặc mai, cần luộc thêm 5 phút sau khi vỏ hoặc mai mở, hay hấp thêm 9 - 10 phút, vì khuẩn vibrio vulnificus rất dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao khi đun nấu, không nên ăn hải sản khi vỏ hoặc mai chưa mở. Nếu có những triệu chứng nhiễm khuẩn như cơ thể đau nhức, da mẩn đỏ và sưng tấy, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhà để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bình luận (0)