Cho trẻ nhỏ bú mẹ đến 6 tháng tuổi là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với kim loại độc hại - Ảnh: Telegraph
Tờ Telegraph dẫn báo cáo của các nhà khoa học thuộc đơn vị nghiên cứu kim loại và sức khỏe thuộc Viện Karolinska (Thụy Điển), được đăng trên tạp chí Food Chemistry, có đoạn: “Các loại thực phẩm dinh dưỡng chứa một lượng lớn kim loại độc hại như arsenic, cadmium, chì và cả uranium, có nguồn gốc từ các nguyên liệu thô dùng để chế biến… Những kim loại này cần phải được giảm tới mức tối đa trong các loại thực phẩm cho trẻ nhỏ”.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên chín mẫu thực phẩm dinh dưỡng sử dụng cho em bé từ 4 tháng tuổi và chín loại sữa khác nhau từ những nhãn hiệu lớn như Organix, Hipp, Nestle và Holle.
Kết quả cho thấy các trẻ nhỏ được cho ăn các loại thực phẩm nói trên 2 lần/ ngày có mức độ tiếp xúc với arsenic cao gấp 50 lần so với các trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, trong khi mức độ tiếp xúc với cadmium cao hơn 150 lần. Cadmium là kim loại có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho hệ thần kinh và thận.
Mặc dù không có nồng độ kim loại nào vượt giới hạn an toàn hiện hành, báo cáo vẫn bày tỏ lo ngại về tác động đối với các trẻ nhỏ - đối tượng rất dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với các kim loại này.
Về phần mình, các công ty sản xuất thực phẩm cho trẻ em khẳng định vẫn tuân thủ các quy định về an toàn hiện hành. Bà Ljung cũng khuyến cáo cho trẻ nhỏ bú mẹ đến 6 tháng tuổi là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với các kim loại độc hại.
Bình luận (0)