Thông tin trên được TS Lê Minh Thuận, Giảng viên trường ĐH Y dược TP HCM kiêm cố vấn chuyên môn Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), chia sẻ tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật khối thi đua 8 tổ chức tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM).
TS Thuận cho biết theo nghiên cứu ở 287 phụ nữ mang thai đến khám tại Khoa Sản, Bệnh viện Lê Văn Thịnh từ ngày 4-3-2022 đến 7-4-2022 cho thấy mức độ trầm cảm và lo lắng tăng cao đã được báo cáo ở phụ nữ mang thai trong giai đoạn COVID-19 và ở phụ nữ sau sinh.
"Trong 287 phụ nữ mang thai đến khám tại bệnh viện. Chúng tôi ghi nhận các thông tin về đặc điểm dân số học, đặc điểm thuộc cá nhân, gia đình và kinh tế nghề nghiệp của phụ nữ mang thai. Thai kỳ lần này có nằm trong kế hoạch; kỳ vọng giới tính của thai; khám sức khỏe trước khi mang thai; có khám thai định kỳ đầy đủ…" – TS Thuận cho hay.
Kết quả nhìn chung sức khỏe của thai nhi tốt là 86,8 % (249 thai phụ). Tuy nhiên, trong thời kỳ mang thai có nhiều yếu tố tác động là nguy cơ khiến tỉ lệ trầm cảm tăng như: Đã từng bị sẩy thai, phá thai; trước đây có sử dụng rượu/bia; mắc bệnh hiểm nghèo/mạn tính; vợ/ chồng đã từng gặp vấn đề hiếm muộn; từng trải qua rối loạn trầm cảm; người thân của thai phụ từng bị trầm cảm…
Theo TS Thuận, mức độ trầm cảm và lo lắng tăng cao đã được báo cáo ở phụ nữ mang thai trong giai đoạn COVID-19 và ở phụ nữ sau sinh. Sức khỏe tâm lý bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp hạn chế và ngăn chặn trong đợt dịch COVID-19.
TS Thuận cho biết thêm theo nghiên cứu một cuộc khảo sát đối với phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh trong thời kỳ đại dịch, cho thấy 40% người tham gia bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương và khoảng 70% bị trầm cảm hoặc lo lắng sau khi virus mới tấn công. Ngược lại, các nghiên cứu trước đây cho thấy tỉ lệ trầm cảm thấp hơn 60 %. Hơn nữa, căng thẳng sinh ra trong thời kỳ mang thai, cùng với nguy cơ cô đơn, làm tăng tỉ lệ mắc các biểu hiện trầm cảm.
Theo TS Thuận, khi mang thai, phụ nữ có thể trải qua một loạt các thay đổi về thể chất và tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của họ. Các triệu chứng tâm thần như lo lắng và trầm cảm là những triệu chứng thường được chẩn đoán nhất. Hơn nữa, các rối loạn điều chỉnh, lạm dụng chất kích thích, rối loạn ăn uống và tâm trạng cũng có thể xuất hiện. Triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến cả thai nhi và sức khỏe của người mẹ, làm tăng nguy cơ sinh non và nhẹ cân. Đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nội khoa trong thai kỳ như tiểu đường thai kỳ hoặc tiền sản giật…
Nguyên nhân chính của lo lắng, trầm cảm và căng thẳng liên quan đến nỗi sợ bị lây nhiễm khi ở nơi công cộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, khi sinh tại bệnh viện, cùng với nỗi sợ lây truyền cho con. Những biến số này khiến phụ nữ tránh liên hệ với bệnh viện/ đơn vị y tế, rút lại lịch hẹn trước khi sinh, dẫn đến giảm kiểm soát y tế khi mang thai…
Do đó, tham vấn trị liệu, giao tiếp và trấn an về việc chăm sóc tiền sản định kỳ cho phụ nữ mang thai rất quan trọng và cần thiết. Phụ nữ mang thai có thể là ưu tiên để tránh gia tăng mức độ trầm cảm. Mặt khác, nên thực hiện các trắc nghiệm tâm lý phát hiện các vấn đề tâm lý từ xa, từ sớm. Mục đích là để có các liệu pháp tâm lý hỗ trợ, đặc biệt trong thời kỳ chu sinh (trước khi sinh 12 tuần và sau khi sinh 1 tuần).
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!