Tại TP HCM vừa xảy ra vụ việc cụ bà từ Mỹ về Việt Nam, vừa bước xuống sân bay thì có dấu hiệu kích động, loạn thần, chạy lòng vòng trong sân bay. Vụ việc báo hiệu chứng sốc nhiệt sắp vào mùa khi thời tiết nóng dần lên.
Sốc nhiệt đến loạn thần
Trường hợp bị sốc nhiệt nói trên là cụ bà Lê Thị Th. (93 tuổi), được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao và kích động. Bệnh nhân bị sốt 40 độ C, huyết áp cao, có bệnh nền rối loạn lipid máu, tiền căn rối loạn giấc ngủ. Từ Mỹ về, vừa bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) được vài phút trong khi thời tiết bên ngoài khá nóng, bà Th. lập tức có biểu hiện kích động, nói nhảm, chạy vòng vòng. Người nhà tìm cách đưa bà vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cấp cứu nhưng bệnh nhân vẫn kích động, tiếp tục chạy lòng vòng. Nhân viên bảo vệ bệnh viện phải tìm cách giữ bà lại để các bác sĩ tiêm thuốc an thần.
TS-BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết cụ bà được xác định bị loạn thần không thực tổn do tác động của nhiệt và ánh sáng, không loại trừ tình trạng sốt nhiễm trùng cấp trên người lớn tuổi có di chứng nhồi máu não, tăng huyết áp. Cụ bà được tháo bớt các lớp áo len bên ngoài, lau mát tích cực, điều trị an thần, truyền dịch đủ nước và hạ sốt. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, đi lại bình thường.
Một trường hợp khác, anh H.L (46 tuổi, quê Thanh Hóa) vừa trở lại TP HCM sau gần 10 ngày về quê nghỉ Tết. Do ở quê những ngày Tết trời rất lạnh nên khi trở lại TP HCM, anh bị sốc nhiệt, cảm giác trên mặt lúc nào cũng nóng phừng phừng, loạng choạng, hoa mắt. Phải mất gần 1 tuần, cơ thể anh mới thích nghi trở lại với thời tiết nắng nóng ở miền Nam.
Theo bác sĩ Đức, việc di chuyển đường xa, kèm theo thay đổi nhiệt độ môi trường bên ngoài đột ngột dễ khiến người già và trẻ em bị sốc nhiệt. Đặc biệt là với những người đi từ các nước ôn đới hay hàn đới về Việt Nam. Sau chặng bay dài, cơ thể dễ mất nước, cần được cung cấp đủ nước, cứ sau 2 hay 3 giờ bay nên đi lại trong khoang hành khách để máu huyết lưu thông.
"Nếu đi chặng dài từ khí hậu lạnh sang nóng hoặc nóng sang lạnh cần chuyển đổi thân nhiệt từ từ, không nên để cơ thể nóng quá hay lạnh quá. Nếu mặc nhiều lớp áo thì nên cởi ra từng lớp cho cơ thể thích nghi dần. Như trường hợp của bà cụ, ngồi trên máy bay hàng chục giờ, bước xuống sân bay Tây Sơn Nhất nắng nóng nhưng bà vẫn mặc chiếc áo dày" - bác sĩ Đức thông tin thêm.
Những hành vi nên tránh
Giới chuyên môn cảnh báo hiện thời tiết tại TP HCM và các tỉnh Nam Bộ đang bắt đầu vào mùa nắng nóng, hiện tượng sốc nhiệt rất dễ xảy ra. Sốc nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao đến mức gây tổn thương đến hệ thần kinh trung ương và các mô khác, đặc biệt khi nhiệt độ cơ thể đạt mức 40 độ C hoặc cao hơn. Việc hoạt động dưới thời tiết nắng nóng, cơ thể vừa sinh ra nhiệt trong quá trình hoạt động vừa hấp thụ nhiệt từ môi trường nên nguy cơ tăng thân nhiệt do ở lâu trong môi trường nắng nóng là rất cao.
Sốc nhiệt thường có biểu hiện: đau đầu, chóng mặt và choáng váng; da đỏ, nóng và khô; yếu cơ hoặc chuột rút; buồn nôn và ói mửa; nhịp tim nhanh; thở nhanh, thở nông. Nếu nặng hơn, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc loạng choạng, thậm chí co giật, mất ý thức, hôn mê…
Cụ Th. được cấp cứu và qua được nguy kịch sau khi bị sốc nhiệt
Hiện tượng sốc nhiệt xảy ra với tất cả mọi người, thường có nguy cơ cao ở người già, trẻ em, phụ nữ khi tiếp xúc với không khí nóng - lạnh đột ngột và không uống đủ nước.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Viết Hậu, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết đối với cơ thể người, nhiệt độ thích hợp nhất là khoảng 25 độ C. Trong khoảng 20 - 30 độ C, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là do có trung tâm điều nhiệt nằm trên não. Khả năng điều chỉnh với sự thay đổi nhiệt độ kém ở trẻ nhỏ (dưới 4 tuổi) hoặc người già (trên 70 tuổi) hoặc người có nhiều bệnh nền.
"Sốc nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng trên 40 độ C hay 104 độ F. Nếu người bị sốc nhiệt không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến suy nội tạng, hôn mê, thậm chí tử vong" - bác sĩ Hậu nói.
Các bác sĩ cảnh báo không nên sinh hoạt dưới thời tiết nắng nóng lúc giữa trưa. Không nên để trẻ trong ôtô dừng đỗ quá lâu vì dễ xảy ra nguy cơ sốc nhiệt do nóng và thiếu ôxy. Thanh thiếu niên tập luyện thể thao hoặc tắm nắng dưới nhiệt độ nóng cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt. Công nhân xây dựng, người phải di chuyển nhiều trên đường như nhân viên giao hàng cũng cần cẩn thận với triệu chứng này.
Với những người làm việc văn phòng hoặc thường xuyên ở trong phòng có sử dụng máy điều hòa, nên để chênh lệch nhiệt độ giữa môi trường làm việc và nhiệt độ ngoài trời khoảng 2 - 5 độ C. Nếu chênh lệch quá cao sẽ dễ dẫn đến sốc nhiệt.
"Để phòng tránh sốc nhiệt do nắng nóng, khi vận động ngoài trời nhiều, cần đội nón rộng vành, uống đủ nước. Ngoài ra, cũng nên ăn nhiều rau quả để tăng cường sức khỏe" - bác sĩ Đức lưu ý thêm.
Cách sơ cứu người bị sốc nhiệt
Khi phát hiện người bị sốc nhiệt hoặc say nắng, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào khu vực mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm toàn thân. Nếu bệnh nhân tỉnh, cho uống nước mát để bù nước. Nếu thấy bệnh nhân bất ổn, cần nhanh chóng gọi cấp cứu.
Với trẻ nhỏ bị sốc nhiệt, bác sĩ chuyên khoa II Trần Đắc Nguyên Anh, Khoa Nội Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), khuyên phụ huynh cần đưa trẻ ra khỏi môi trường có nhiệt độ cao, cởi bỏ quần áo, đắp khăn mát hoặc xối nước lên người trẻ; cho uống nước nếu trẻ có thể uống được. Hồi sức tim phổi nếu trẻ không tỉnh, ngưng thở và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Bình luận (0)