Thông tin này vừa được báo động tại hội thảo "Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?" do Báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Hồng Bàng TP HCM tổ chức ngày 26-5.
Đại diện Bộ Y tế, PGS-TS-BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, đã đến dự.
Trình bày những sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ, TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc, cho biết trong 3 năm gần đây, chỉ tính riêng tại Bệnh viện Thẩm mỹ JW đã tiếp nhận khoảng 511 trường hợp đến điều trị vì biến chứng trong thẩm mỹ, trong đó nhiều biến chứng từ tình trạng đi làm đẹp ở cơ sở thẩm mỹ "chui".
BS Tú Dung cảnh báo về trường hợp sau làm đẹp lật mí mắt tại một spa dẫn đến 10 năm không thể nhắm mắt
"Chui" ở đây là vì người thực hiện hoàn toàn không phải là bác sĩ, điều dưỡng, hoàn toàn không phải người có trình độ y khoa. Các cơ quan báo chí truyền thông gần đây đã thông tin rất nhiều về tình trạng thẩm mỹ "chui" mà trong thời gian qua đã gây ra nhiều biến chứng, hệ luỵ gây nên hỗn loạn thị trường trong ngành làm đẹp thẩm mỹ.
Biến chứng thường gặp nhất là mắt (42%), mũi (31%), tiêm filler (22%), ngực (4%). Đáng báo động là tình trạng tiêm filler tràn lan. Hiện nay, các cơ sở spa, thẩm mỹ viện không có chức năng tiêm filler, phẫu thuật thì họ lại tiêm filler nhiều nhất. Biến chứng tiêm filler gây mù mắt, hoại tử, nhiễm trùng cực kỳ lớn, nguy hiểm.
Theo BS Dung, nhiều trường hợp không phải y bác sĩ hay người có trình độ y khoa nhưng lại tự ý mở spa, cơ sở làm đẹp để tiêm filler, tự ý tổ chức phẫu thuật nâng mũi, nâng ngực… và gây ra những tai biến, những sự cố y khoa đáng tiếc cho bệnh nhân.
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo
Cụ thể: Trường hợp lật mi mắt nặng không thể nhắm thực hiện tại một spa ở Bến Tre; bệnh nhân nâng mũi thủng trụ vách ngăn tại một cơ sở không phải spa, không phải thẩm mỹ viện ở Lâm Đồng; hoại tử mặt do tiêm filler má tại một spa ở quận 4 và trường hợp spa ở quận 6 tự tiêm filler tại nhà gây hoại tử mông.
Theo Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, mỗi năm có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có đến 25.000-30.000 ca biến chứng. Sự cố gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chế tài pháp luật hiện nay là quá nhẹ với các trường hợp thẩm mỹ "chui", tự ý dùng dao kéo can thiệp vào cơ thể của con người khi không có chuyên môn.
"Để xử lý triệt để vấn đề thẩm mỹ chui, pháp luật cần nghiêm khắc hơn, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp này. Bên cạnh đó, những người đứng đầu các cơ sở làm đẹp, spa phải đặt cái tâm, đạo đức vào công việc, tránh vì lợi nhuận mà làm liều gây hại đến bệnh nhân. Cơ quan truyền thông cần tuyên truyền định hướng người dân thẩm mỹ an toàn" - BS Tú Dung kiến nghị.
Sinh viên y khoa cũng rất quan tâm đến sự kiện này
TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho rằng để hạn chế các sự cố y khoa, các bệnh viện cần thiết lập quy trình chuyên môn, vận hành, đầu tư đầy đủ trang thiết bị, điều kiện làm việc... Nhân viên y tế cần có trình độ chuyên môn tốt, thái độ trung thực, thái độ cầu tiến và nhận biết trước được các sự cố y khoa có thể xảy ra.
Khi xảy ra sự cố y khoa, bệnh nhân cần thông cảm, chia sẻ với khó khăn không thể tiên lượng trước được trong y tế vì sự khác biệt giữa mỗi con người; giữ bình tĩnh và tôn trọng nhân viên y tế. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cần thiết để phối hợp cùng nhân viên y tế phòng ngừa, khắc phục các sự cố y khoa.
Bình luận (0)