Làm dịch vụ là chính
Bệnh viện (BV) Cấp cứu Trưng Vương TPHCM được giao nhiệm vụ làm “nhạc trưởng” điều phối toàn bộ công tác cấp cứu ngoại viện của TP (thường gọi là cấp cứu 115). Ngoài 15 xe cấp cứu tại BV Trưng Vương, còn có hệ thống xe cấp cứu của các BV đa khoa, chuyên khoa cấp TP và 24 BV quận, huyện trên địa bàn.
Khi cần, “nhạc trưởng” 115 có thể điều phối xe cấp cứu của các BV quận, huyện sao cho
Người dân TP chưa biết nhiều về 115, phần lớn họ sử dụng taxi, chỉ có khoảng 2 - 5% trường hợp tai nạn ngoài đường gọi 115.
TS-BS Đỗ Quốc Huy, Phó giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương |
việc cấp cứu kịp thời nhất. Nhiệm vụ đầu tiên và hết sức quan trọng của 115 là cấp cứu người bệnh tại cộng đồng và vận chuyển đến BV để tiếp tục điều trị. Ngoài ra, theo BS Võ Quang Huy, Trưởng khoa Cấp cứu ngoại viện BV Trưng Vương, 115 còn có nhiệm vụ hỗ trợ cho các lễ hội, sự kiện lớn, ứng phó với thiên tai...
Thế nhưng, lâu nay hầu hết đội quân cấp cứu 115 chủ yếu tiếp nhận vận chuyển, cấp cứu người bệnh tại nhà đến BV (người bệnh đau ốm, cao huyết áp, đau tim, mệt...) theo dạng dịch vụ (có tính tiền) là chính, còn việc trực tiếp đến hiện trường để xử lý các trường hợp tai nạn giao thông (TNGT), chấn thương... ngoài đường là rất hiếm hoi.
Ngày 30-, PV đã tham gia trực điện thoại cùng với y, bác sĩ ở phòng trực tiếp nhận cấp cứu ngoại viện tại BV Cấp cứu Trưng Vương. Theo ghi nhận của PV, đội quân 115 chỉ tiếp nhận thông tin cấp cứu tại nhà là chính.
Tổng hành dinh 115 chỉ có 2 máy điện thoại nhận cuộc gọi - Ảnh: Hà Minh
Tính từ đầu ngày đến 13 giờ 30 (ngày 30-3), có 60 cuộc gọi đến 115 nhưng chỉ có 7 cuộc gọi thành công và cả 7 cuộc ấy đều là người bệnh tại nhà gọi. Chúng tôi cũng chứng kiến có rất nhiều cuộc gọi đến 115 (có hiện số) nhưng liên lạc giữa hai bên không thành công, mà nhân viên trực cũng không gọi lại cho họ.
Chúng tôi thắc mắc: “Sao không gọi lại để xác nhận, biết đâu trong các cuộc gọi đó có những ca rất cần được cấp cứu?”, một nhân viên thanh minh: “Đúng ra thì phải gọi lại, nhưng nhiều lần gọi lại thì điện thoại bên kia không liên lạc được, hoặc gặp phải người gọi chỉ để giỡn chơi”.
Thống kê trong tháng 1-2012, Trung tâm 115 nhận 475 cuộc gọi cần xe cấp cứu và thực hiện 416 lượt, đưa 428 người đi cấp cứu. Tháng 2, trung tâm nhận 404 cuộc gọi, đi cấp cứu 350 lượt với 316 bệnh nhân - như vậy, bình quân, mỗi ngày chỉ có 13 - 15 trường hợp gọi về “tổng hành dinh” của hệ thống cấp cứu 115, một con số quá ít ỏi so với nhu cầu của một TP gần 10 triệu dân.
TS-BS Đỗ Quốc Huy (Phó Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu VN, kiêm Phó Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương, TPHCM) giải thích: “Người dân TP chưa biết nhiều về 115, phần lớn họ sử dụng taxi, chỉ có khoảng 2 - 5% trường hợp tai nạn ngoài đường biết và gọi 115”.
Chỉ có 2 điện thoại nhận tin
Tiếng là “tổng hành dinh” điều phối toàn bộ hệ thống cấp cứu ngoại viện của TP nhưng Trung tâm 115 tại BV Trưng Vương chỉ được trang bị 5 chiếc máy điện thoại, gồm 2 máy nhận các cuộc gọi đến từ người dân trong tình huống cấp cứu khẩn cấp, 2 máy khác để nhân viên liên lạc lại với người dân hoặc gọi đi xử lý công việc và 1 máy để liên lạc nội bộ. Nhận tất cả yêu cầu cấp cứu khẩn cấp cho toàn TP gần 10 triệu dân mà 115 chỉ có 2 chiếc điện thoại thì làm sao đáp ứng được nhu cầu của người dân?
“Những trường hợp TNGT đa phần người đi đường tự gọi xe đưa nạn nhân đi. Cũng có người gọi 115 nhưng khi xe đến thì nạn nhân lại được người khác chuyển đi rồi” - một nhân viên y tế tham gia cấp cứu ngoại viện nói.
Chẳng hạn, hôm 24-3, có một trường hợp bị TNGT gần khu công nghiệp Tân Tạo (qận Bình Tân), người dân gọi cấp cứu 115 (gọi về BV Trưng Vương), nơi đây điều phối cấp cứu BV quận Bình Tân, nhưng khi xe cấp cứu đến thì nạn nhân đã được người dân đưa đi BV rồi.
Bác sĩ Võ Quang Huy cũng nói: “Người dân biết đến 115 chưa nhiều. Ngoài ra cũng có nhiều lúc xe cấp cứu đến trễ vì đường xa, kẹt xe”. Trong thực tế, còn có những trường hợp tử vong trước khi cấp cứu 115 đến. Điều này dẫn đến nhiều người dân mất tin tưởng vào 115.
Chúng tôi cũng nêu thắc mắc về việc người dân phàn nàn khi gọi vào số cấp cứu 115 nhiều lúc chỉ nghe điện thoại tít tít mà không có người nhấc máy, bác sĩ Võ Quang Huy cho biết những trường hợp ấy là do lỗi hệ thống mạng, một số cuộc gọi đến 115 nhưng lại rơi qua các trung tâm y tế quận, huyện mà lúc đó không có người trực.
Một nhân viên trực điện thoại 115 cho biết khi cả 2 máy điện thoại của 115 đều đang tiếp nhận cuộc gọi, nếu có cuộc khác gọi vào, thì có khi điện thoại báo bận, nhưng có khi lại đổ chuông báo tín hiệu chờ.
TS-BS Đỗ Quốc Huy (Phó Giám đốc BV Trưng Vương) cho biết thêm với các mạng di động khác (ngoài Viettel), khi bấm số 115 thì bộ phận trực của BV Trưng Vương sẽ nhận được ngay. Còn với mạng Viettel khi gọi 115, thì nhà mạng sẽ định vị người gọi đang ở quận huyện nào rồi phân bổ về cấp cứu 115 của quận huyện đó nên có khi trục trặc.
Cũng theo bác sĩ Võ Quang Huy, Trung tâm 115 hiện có 15 xe cứu thương, nhưng thường công suất sử dụng cũng chỉ 4 - 5 xe mỗi ngày.
Công trình nghiên cứu sự hiểu biết và thái độ của người dân sống tại 24 quận/huyện ở TPHCM về dịch vụ cấp cứu 115 (của nhóm bác sĩ BV Cấp cứu Trưng Vương và BV Đại học Y dược, tiến hành từ 2008 - 2010) cho thấy:
Chỉ 16% người dân biết có dịch vụ cấp cứu ngoại viện của TP, và chỉ 32% người dân biết 115 là số điện thoại gọi cấp cứu. 46% người dân tự đưa người thân đi cấp cứu, và 67% số người nghĩ rằng tự đi sẽ nhanh hơn là gọi dịch vụ xe cấp cứu. Nghiên cứu cũng ghi nhận người dân than phiền nhiều nhất là khi gọi cấp cứu 115 phải chờ đợi xe rất lâu; bên cạnh đó gọi đến số 115 thường không có ai nhấc máy hoặc máy bận, nhà xa xe không tới...
Thống kê từ Trung tâm 115, trong năm 2011, có 6.138 cuộc gọi của người dân, người bệnh cần đến xe cấp cứu 115, và tổng số lần thật sự đi cấp cứu là 5.177. Trong số 6.138 lượt gọi cấp cứu nói trên, 115 chỉ tiếp nhận cấp cứu 818 trường hợp chấn thương nói chung, trong đó chỉ có 40 trường hợp TNGT. |
Bình luận (0)