Khi có người bị đột quỵ, phần lớn người thân trong gia đình rất lúng túng trong cách xử trí ban đầu, đặc biệt là vấn đề di chuyển bệnh nhân. Có những trường hợp xử trí, di chuyển không đúng cách khiến các tổn thương nặng nề hơn.
Lưu ý đột quỵ kèm chấn thương
Bà Mai Thị T. (65 tuổi, ngụ TP HCM) có tiền căn thoát vị đĩa đệm cổ trước đó. Một buổi sáng, người nhà phát hiện bà mê man, lay gọi không dậy nên lập tức đưa đi cấp cứu. Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM, các bác sĩ (BS) phát hiện bà bị liệt tứ chi, chụp CT thấy xuất huyết não một bên không quá lớn. Sau đó, người bệnh được chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ và phát hiện thêm tổn thương tủy cổ. Các BS hỏi lại quá trình di chuyển đến BV thì biết bà T. được bế ở tư thế đầu cổ chuyển động theo nhịp chạy của người bế.
Một trường hợp khác là ông Nguyễn Minh D. (42 tuổi, ngụ tại TP HCM). Bị ngã sóng soài trong nhà tắm, ông được người nhà đưa đi cấp cứu. Trong lúc di chuyển, do nôn nóng và cũng bởi sàn nhà trơn láng nên cả người nhà và người bệnh đều trượt té. Vào BV, sau khi chụp CT, các BS phát hiện ông vừa bị nhồi máu não vừa chấn thương sọ não!
Theo BS chuyên khoa I Trần Quốc Tuấn (Khoa Ngoại Thần kinh BV Đại học Y Dược), việc di chuyển người bệnh đột quỵ không đúng cách có thể làm cho tình trạng tổn thương nặng thêm. Điều đáng nói là những người bị đột quỵ có thể có chấn thương kèm theo do té ngã nhưng người thân không nhận ra để sơ cứu trước. Vì vậy, việc xử trí sau đó của các BS càng khó khăn hơn.
Ngoài sơ cứu không đúng cách, một vấn đề rất đáng lưu ý khác là việc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế quá chậm, dẫn đến mất cơ hội sống. Tại các BV như Chợ Rẫy, Nhân dân 115..., tình trạng bệnh nhân đột quỵ nhập viện trễ rất phổ biến. Theo TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115, tuy có trọng lượng nhỏ nhưng não người lại tiêu thụ ôxy nhiều nhất. Não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng lại cần đến 20%-25% lượng máu nuôi toàn bộ cơ thể. Chỉ cần thiếu ôxy chưa đến 10 giây là con người đã mất ý thức và một khi não bị tổn thương thì khó hồi phục.
Cứ tưởng bị “trúng gió”
Theo các chuyên gia, thiếu kỹ năng, kiến thức khi cứu người đột quỵ là tình trạng thường gặp nhất, bao gồm: Không đánh giá được mức độ tổn thương nặng cần hồi sức tim phổi, không cố định các phần cơ thể người bệnh, bị té ngã trong khi di chuyển nạn nhân.
TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP HCM, cho biết trong cấp cứu đột quỵ, thời gian là vàng vì nếu chậm trễ, mỗi phút trôi qua sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh chết. Sự chậm trễ trong cấp cứu đột quỵ thường do người dân chưa hiểu đúng về vấn đề này.
Thông thường, khi thấy ai lăn ra bất tỉnh, nhiều người cứ tưởng họ bị “trúng gió” và dùng những biện pháp dân gian như giật tóc, xức dầu, cạo gió, bấm huyệt, chích lể thay vì tức tốc chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Về điều này, TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị Đột quỵ BV Đại học Y Dược, lưu ý đột quỵ não là tình trạng stress rất nặng, áp dụng các biện pháp dân gian không chỉ gây thêm stress mà còn làm mất thời gian cần thiết cho việc cấp cứu sau đó.
Giới chuyên môn cho rằng sơ cấp cứu ban đầu là kỹ năng cần thiết cho mọi người. Các vấn đề cần thiết trong sơ cấp cứu ban đầu gồm: Hồi sức tim phổi (luôn quan trọng nếu người bệnh bị ngưng thở hoặc ngưng tim), tư thế người bệnh (đặt nằm ở tư thế thoải mái nhất). Về cơ bản, việc vận chuyển người đột quỵ cần theo nguyên tắc: Một là, bảo đảm đường thở, tim đập; hai là, cố định để bảo vệ các bộ phận dễ tổn thương như đầu cổ, tứ chi; ba là, chuyển người bệnh đến cơ sở y tế nhanh nhất có thể.
Đua với thời gian: Khó nhất!
Theo Tổ chức Y tế thế giới, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam (chiếm hơn 20% các trường hợp tử vong mỗi năm). Ước tính mỗi năm, nước ta có hơn 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% tử vong. Phần lớn người bệnh đột quỵ không đến được BV trong thời gian vàng. Chạy đua với thời gian là vấn đề khó khăn nhất trong điều trị loại bệnh lý này. Chỉ có xử lý tại chỗ mới mong cứu được người đột quỵ. Tuy vậy, hiện nay hầu như các địa phương chưa làm được ngoài một số trung tâm lớn như TP HCM, Hà Nội. Vì vậy, người bị đột quỵ khi được đưa đến nơi đủ chuyên môn thì cũng đã mất cơ hội phục hồi hay cứu sống.
Mới đây, BV Đại học Y Dược đã áp dụng kỹ thuật kết hợp hút và rút (kéo) huyết khối ARTS trong điều trị đột quỵ, đồng thời cải tiến quy trình cấp cứu theo hướng nhanh chóng và đồng bộ. Nếu áp dụng đúng cách, sẽ có hơn 95% trường hợp tắc các mạch máu lớn trong não có thể tái thông thành công với nguy cơ không quá cao.
Bình luận (0)