Người đàn ông này bị bệnh thận đa nang (ADPKD). Đây là chứng rối loạn di truyền đặc trưng bởi sự tăng trưởng của nhiều u nang trong thận. U nang trong ADPKD có thể làm tăng kích thước thận và thay thế các cấu trúc bình thường, gây giảm chức năng thận và dẫn đến suy thận. Trường hợp này đặc biệt ở chỗ quả thận đã lớn đến 2,75 kg và được các bác sĩ Ấn Độ cho là lớn nhất thế giới.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Ganga Ram, ADPKD chủ yếu là một bệnh di truyền, được tìm thấy với tỉ lệ 1/1.000 người. Sự phát triển của các nang thận dẫn đến bệnh thận mãn tính ở 50% bệnh nhân mắc bệnh ADPKD.
Người đàn ông Ấn Độ được chẩn đoán bị ADPKD vào năm 2014 và đã được điều trị lọc máu thường xuyên. Ông ta được chuyển đến Bệnh viện Sir Ganga Ram trong tình trạng suy thận mãn tính, đau dữ dội ở bụng, có máu lẫn trong nước tiểu và sốt cao.
Ông Manu Gupta - bác sĩ phẫu thuật tiết niệu tại bệnh viện Sir Ganga Ram – cho biết việc loại bỏ một quả thận khổng lồ là thách thức lớn cho đội ngũ bác sĩ tiến hành phẫu thuật, vì quả thận bình thường chỉ nặng khoảng 130 gram.
Bác sĩ nói thêm: “Khó khăn lớn nhất trong ca phẫu thuật dài 3 giờ này là thận đã kẹt cứng trong khoang ruột”. Bác sĩ cũng tiết lộ quả thận thứ hai của người đàn ông này cũng đã được loại bỏ một tuần sau đó và trọng lượng của nó lên đến 2,5 kg. Hai quả thận đã chiếm 5 kg trong tổng trọng lượng của bệnh nhân.
Bệnh nhân đặc biệt này sẽ được cấy ghép thận trong thời gian sắp tới. Vinant Bhargav - một bác sĩ khác tại Bệnh viện Sir Ganga Ram – nói: “Sự sống của bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào việc cơ thể anh ta có chấp nhận quả thận mới sau này hay không”.
Theo Sách Guinness Thế giới, quả thận lớn nhất được ghi nhận cho đến thời điểm trước khi phát hiện trường hợp này là của một bệnh nhân đến từ Dhule (Maharashtra, Ấn Độ) vào năm 2011 với trọng lượng vào khoảng 2,15 kg.
Bình luận (0)