Giảm tải cho bệnh viện
Đó là một trong những CLB sức khỏe đang hoạt động tại TPHCM, nhằm giúp mọi người có thêm kiến thức về cách chăm sóc, tự theo dõi tình trạng sức khỏe của mình. Tại Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương TPHCM hiện có đến 6 CLB sức khỏe dành cho các bệnh mãn tính là đái tháo đường, suyễn, bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính (COPD), khớp, cao huyết áp và viêm loét dạ dày, trong đó “nhiều tuổi” nhất là CLB đái tháo đường. Sắp tới, BV thành lập thêm CLB cho bệnh nhân viêm gan. Bác sĩ Phan Quý Nam, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, cho biết: “Bệnh nhân thường có nhiều thắc mắc về căn bệnh mà mình đang mắc, tuy nhiên do BV quá tải, công việc của bác sĩ lại nhiều, nên nhu cầu của bệnh nhân ít khi được thỏa mãn”. Và để tạo nơi cho người bệnh bày tỏ những suy nghĩ của mình, giúp họ có kiến thức đúng đắn về bệnh tật, BV đã thành lập những CLB sức khỏe nhắm vào các đối tượng bị bệnh mãn tính. Ở những bệnh nhân này, do việc điều trị kéo dài, tốn kém và không thể khỏi hoàn toàn nên đa số thường sốt ruột, lo lắng và tự ý ngưng điều trị, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Từ đó, bệnh càng trở nên trầm trọng và chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề.
Chị Nguyễn Thị Cúc, 58 tuổi, ngụ tại phường 5, quận 5, mắc bệnh suyễn hơn 10 năm nay, do buồn chuyện gia đình, nên sức khỏe của chị giảm sút nghiêm trọng và không còn quan tâm đến việc điều trị. Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng tham gia sinh hoạt tại CLB suyễn của BV Nguyễn Tri Phương, chị đã hiểu biết về bệnh nhiều hơn, biết cách tập luyện, hít thở và ăn uống điều độ. Hiện nay, chị đã cải thiện được sức khỏe, giảm bớt những căng thẳng trong đời sống hằng ngày.
Theo bác sĩ Phan Quý Nam, việc thành lập những CLB sức khỏe là cách giúp bệnh nhân tự theo dõi bệnh và giảm tải cho BV. Bởi một khi bệnh nhân đã biết cách chăm sóc mình và tuân thủ tốt chế độ điều trị, họ ít khi phải nhờ đến thầy thuốc.
Biết cách sống chung với bệnh
Cuộc sống của ông Dương Văn Phúc, 54 tuổi, ngụ tại phường 7, quận Tân Bình, đã có nhiều xáo trộn khi phát hiện mình bệnh mắc đái tháo đường cách đây 6 năm. Bi quan, chán nản, cộng với triệu chứng mệt mỏi của căn bệnh, ông cảm thấy cuộc sống quá bế tắc. Thêm vào đó, ông còn suy nghĩ đây là căn bệnh không thể chữa khỏi, nên đã nhiều lần buông xuôi, không theo dõi tình trạng đường huyết. Ông vẫn thường đùa với mình rằng “nếu đường lên thì ta lên đường”. Vậy mà chỉ hơn 2 tháng tham gia CLB Bạn đái tháo đường tại Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, ông đã trở nên lạc quan, cuộc sống dần trở lại bình thường. Ông kể rằng khi tham gia sinh hoạt tại CLB sức khỏe này, ngoài việc có thêm những kiến thức quý giá về căn bệnh đang mắc, ông còn biết cách ăn uống hợp lý và điều chỉnh chế độ sinh hoạt cho phù hợp. Quan trọng hơn, ông Phúc cũng như những người tham gia sinh hoạt CLB đã ý thức được chuyện phải sống chung với bệnh.
Một lợi ích khác của việc tham gia CLB sức khỏe là được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và tâm trạng với người có chung hoàn cảnh với mình. Chị Cúc nói: “Trước đây tôi thường có cảm giác cách biệt với những người xung quanh và mang mặc cảm làm phiền họ, nhưng từ khi tham gia CLB suyễn tôi không còn cảm thấy cô đơn nữa. Xung quanh tôi là những người cùng hoàn cảnh đủ mọi lứa tuổi, điều này giúp tôi có thêm sức mạnh để chiến đấu với căn bệnh”.
Đã có CLB sức khỏe cho thanh thiếu niên Nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên, giúp họ tiếp cận với các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản (SKSS), cuối tháng qua Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình TPHCM và Nhà Văn hóa Thanh niên đã triển khai mô hình “Dịch vụ SKSS thân thiện thanh thiếu niên”. Đây là CLB sức khỏe giới tính và SKSS đầu tiên của TP dành cho thanh thiếu niên với nhiều hoạt động đa dạng như tư vấn về chăm sóc SKSS, phòng chống HIV, tìm hiểu kiến thức về tình dục an toàn, sự phát triển giới tính, các bệnh lây truyền qua đường tình dục... |
Bình luận (0)