Từ chỗ nằm liệt, chân tay co quắp, bệnh nhi này đã chập chững bước đi sau 2 đợt châm cứu phục hồi chức năng
80%-90% liệt tứ chi
Di chứng sau một lần viêm não khiến Lê Trọng Huy (4 tuổi, ngụ Hà Nội) từ một cậu bé khỏe mạnh, vui vẻ bỗng liệt toàn thân, nằm bất động và không thể nói được. Sau 2 đợt điều trị bằng điện châm, thủy châm kết hợp với xoa bóp bấm huyệt và tập vận động tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Huy đã ngồi dậy và bước đi chập chững. Chị Nguyễn Thanh Hoài, mẹ Huy, không giấu được niềm vui: “Dù cháu chưa nói được, bước chân vẫn run run nhưng thế này là tiến bộ lắm rồi”.
TS-BS Nguyễn Thị Tú Anh, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết mới đây, bé Nguyễn Đức Hoàng (3 tuổi, ngụ Hà Nội) bị liệt tứ chi do viêm đa rễ thần kinh cũng đã khỏi bệnh sau 2 đợt điều trị. Ngoài ra, rất nhiều cháu sau khi điều trị đã trở lại trường học.
Cũng theo bác sĩ Anh, gần 90% bệnh nhân được chữa trị tại đây là bệnh nhân bại não, phần lớn ở thể nặng và rất nặng. Trong đó, trẻ bị liệt tứ chi chiếm khoảng 80% - 90%, liệt nửa người chiếm 5% - 7%, còn lại là liệt hai chân.
18%-21% khỏi bệnh hoàn toàn
Để tạo lập các chức năng vận động, nghe nói, giao tiếp, cải thiện trí nhớ, bệnh nhi được điều trị bằng phương pháp điện châm, thủy châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt, tập vận động và giáo dục hòa nhập. Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương, họ sẽ tác động, kích thích các huyệt, dưỡng khí, thông kinh lạc… giúp hệ thần kinh trung ương của trẻ phục hồi và dần vận động, giao tiếp được. Liệu trình điều trị một đợt thường kéo dài từ 25-30 ngày, thời gian nghỉ 3-4 tuần rồi lặp lại đợt tiếp theo. Với trẻ bại não, việc điều trị bằng châm cứu thực hiện khi trẻ được 6 tháng tuổi với cân nặng 7-8 kg.
Kết quả theo dõi, đánh giá trên 4.000 bệnh nhi bại não điều trị trong giai đoạn 2009-2011 tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương bằng phương pháp châm cứu phục hồi chức năng cho thấy: tỉ lệ khỏi bệnh hoàn toàn (đi lại, nói, đi học, hòa nhập tốt) chiếm 18% - 21%; cải thiện rõ rệt (ngồi vững, bò, đứng vịn, đứng, đi men, nói thêm từ, hiểu lời nói) chiếm 60% - 75%. Chỉ còn 1% - 5% trẻ không cải thiện do chịu ảnh hưởng bởi một số bệnh lý khác.
Dễ bại não do tai biến sản khoa Trẻ em bị các bệnh liên quan đến não thường có 15% từ các nguyên nhân trước khi sinh. Đó là người mẹ nhiễm virus (cúm, rubella) khi mang thai dưới 3 tháng, ngộ độc, bệnh tiểu đường, cao huyết áp, dùng thuốc hoặc chụp X-quang trong lúc mang thai. Ngoài ra, từ 40% - 60% là do mẹ gặp tai biến sản khoa, đẻ khó phải can thiệp bằng foocxep, đẻ non, chuyển dạ kéo dài khiến não bị ảnh hưởng dẫn đến di chứng điếc, câm, chậm nói. Số còn lại là do di chứng củaviêm não, viêm màng não mủ, dị dạng mạch máu não, sang chấn sọ não. |
Bình luận (0)