icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chăm sóc đúng cách để mau lành vết thương

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Sau phẫu thuật, nếu vết thương không được chăm sóc đúng cách có thể bị nhiễm trùng, hoại tử, sẹo xấu, thậm chí dẫn đến những biến chứng khó lường

Chị T.Đ.T (35 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) vừa đi nâng mũi được 3 tuần, đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khám trong tình trạng vết thương hậu phẫu đang chảy mủ, sưng tấy, đau sốt. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán chị bị nhiễm trùng vết mổ, phải nhập viện loại bỏ dị vật, làm sạch vết thương, sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm theo phác đồ và phải mất nửa tháng mới lành.

4 giai đoạn quan trọng

Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hữu Thịnh, Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết quá trình liền thương gồm 4 giai đoạn: Cầm máu - viêm, phù nề - tăng sinh - tái tạo. Trong 4 giai đoạn của quá trình lành vết thương, giai đoạn viêm, phù nề đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Đây là cơ chế sinh lý bình thường của cơ thể, giúp dọn dẹp và làm sạch vết thương. Giai đoạn này thường diễn ra trong ngày đầu đến ngày thứ 3. Từ ngày thứ 4 trở đi, sẽ diễn ra nhẹ nhàng hơn và song song với quá trình tăng sinh - tái tạo.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương, được chia thành 2 nhóm: trực tiếp và gián tiếp. Các yếu tố trực tiếp thường xuất phát từ chính vết thương, chẳng hạn vết thương không sạch, có dị vật, bị nhiễm trùng, dập nát, hoại tử, rìa cắt vết thương nham nhở, tụ dịch, vết khâu bị căng. Quá trình vận động, bất động không đúng cách hay chăm sóc vết thương sai cũng có thể dẫn đến tình trạng khó lành vết thương sau phẫu thuật.

Trong khi đó, các yếu tố gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương thường xuất phát từ các bệnh lý đi kèm. Đái tháo đường, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não... là những căn bệnh phổ biến dẫn đến tình trạng chậm lành, thậm chí là không lành vết thương sau phẫu thuật. Những người bệnh có yếu tố suy giảm miễn dịch (nhiễm trùng, nhiễm độc) hay mắc HIV, ung thư, lao, mất cân bằng dinh dưỡng (suy dinh dưỡng, béo phì) cũng khiến quá trình lành vết thương diễn ra không thuận lợi.

Các chuyên gia khuyến cáo những vết thương hậu phẫu có thể diễn tiến xấu nếu không được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách. Trước tiên, vết thương có thể gây sưng tấy, nóng sốt, tăng tiết dịch. Nặng hơn có thể nhiễm trùng tại vết thương và lan rộng gây nhiễm trùng toàn thân, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, ung thư, thậm chí tử vong. Một số vết thương có thể không tác động nhiều đến sức khỏe nhưng có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sinh hoạt cá nhân.

Chăm sóc đúng cách để mau lành vết thương - Ảnh 1.

Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh tư vấn cách chăm sóc vết thương cho người bệnh

Bí quyết dinh dưỡng

Theo ThS-BS Võ Tuấn Khoa, Khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân Dân 115 TP HCM, có 2 loại vết thương: cấp tính và mạn tính. Vết thương cấp tính là vết thương mới, thường do chấn thương, có chảy máu, lành tối đa từ 3-4 tuần. Vết thương mạn tính không lành theo trật tự thời gian, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cản trở, thường là do quá trình viêm kéo dài.

Lành vết thương trong môi trường ẩm thực chất là dịch tiết vết thương lòng mạch sẽ đi ra ngoài, 90% dịch sẽ được tái hấp thu, còn 10% sẽ trở vào tuần hoàn theo hệ thống bạch huyết. Dịch tiết vết thương chứa các chất điện giải, dưỡng chất, các yếu tố trung gian gây viêm, bạch cầu, enzyme phân giải protein và chất thải.

Theo các bác sĩ, cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để giảm tình trạng phù nề trong những ngày đầu sau phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ tiến hành cố định khu vực mổ bằng dụng cụ y khoa như băng dán, băng thun, nẹp, áo định hình... Người bệnh cũng được khuyến khích tập các bài vật lý trị liệu, vận động chủ động sớm. Đối với những vết thương ở vùng tay hoặc chân, kê tư thế thích hợp để giảm trọng lực lên cơ thể. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng viêm, thuốc chống phù nề để người bệnh sử dụng song song.

Thuốc kháng viêm dạng men là một sản phẩm được sử dụng phổ biến để thúc đẩy quá trình tan máu bầm nhằm cải thiện các vết thương hậu phẫu nhanh hơn. Tuy nhiên, ngoài công dụng giảm nhẹ các tổn thương, làm giảm các yếu tố gây viêm, kết dính tiểu cầu, dược phẩm này có thể làm giảm tái tạo tại mô, tái cấu trúc mô cũng như ức chế miễn dịch của cơ thể, thậm chí là hội chứng cushing. Do đó, việc sử dụng thuốc kháng viêm kết hợp thuốc chống phù nề cần có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Trường hợp những vết thương hậu phẫu khó lành hoặc không có dấu hiệu lành, người bệnh phải xác định nguyên nhân và thăm khám kịp thời. Để quá trình hồi phục hiệu quả, cần tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ. Chỉ thay băng khi cần thiết, bảo đảm vô trùng. Cần áp dụng các phương pháp để giảm phù nề và thường xuyên vận động cơ thể với những bài tập vừa sức.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Ngọc Hương (chuyên gia dinh dưỡng) lưu ý chế độ dinh dưỡng cũng là điều cần thiết giúp mau lành vết thương. Nên ăn đủ chất đạm (có nhiều trong thịt, cá, tép, trứng, lươn…) và các loại đậu vì đây là nguyên liệu chính để tạo tế bào mới, các thành phần có liên quan quá trình lành vết thương.

Cần chú ý ăn các loại thực phẩm có liên quan quá trình tạo máu như sắt, axít folic, vitamin B12… Máu sẽ mang các nguyên liệu cần thiết như protein, vitamin, khoáng chất và ôxy đến mô đang bị tổn thương; mang các tế bào bạch cầu, đại thực bào đến tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập vết thương, đồng thời dọn dẹp các chất thải như xác vi trùng chết, xác tế bào đã chết. Các chất này có nhiều trong các loại thịt, gan, trứng, sữa, các loại rau xanh đậm…

Các vitamin nhóm B, vitamin A, E là các vitamin có vai trò quan trọng trong việc tạo mô mới và làm vết thương mau lành. Vitamin C có ảnh hưởng đáng kể đến việc lành vết thương, giúp tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại hiện tượng nhiễm trùng, mưng mủ. Các loại rau lá có màu xanh đậm và quả tươi như đu đủ, thanh long, quýt, cam, bưởi… chứa nhiều các vitamin này.

Kẽm và selen cũng giúp mau lành vết thương, chống nhiễm khuẩn. Những khoáng chất này có nhiều trong cá, thịt gia cầm, trứng, nghêu, sò, ốc, thận, gan, ngũ cốc... 

Cẩn trọng dùng băng gạc

ThS-BS Võ Tuấn Khoa lưu ý băng gạc kháng khuẩn không nên dùng khi không có dấu hiệu nhiễm trùng, trừ khi sử dụng ngăn ngừa nhiễm trùng ở bệnh nhân có vết thương nguy cơ cao. Chọn lựa băng gạc phù hợp sẽ tối ưu hóa môi trường ẩm của vết thương.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo