Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences đã mở ra một hướng đi hoàn toàn mới, giúp các bác sĩ chẩn đoán sớm Alzheimer một cách dễ dàng, chính xác và ít tốn kém thông qua việc phân tích các mẫu máu với quang phổ hồng ngoại. Các nhà khoa học kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển công nghệ này để nó có thể được ứng dụng trong chẩn đoán các rối loạn thoái hóa não khác và tình trạng suy giảm nhận thức trong chấn thương vùng đầu.
Chẩn đoán sớm đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh - ảnh CNN
Giáo sư Francis Martin, tác giả của nghiên cứu này đến từ Trường Dược phẩm và Khoa học sinh học (Đại học Central Lancashire, Anh). Ông cho biết công nghệ này giúp xác định được bệnh với độ nhạy và độ đặc hiệu lên đến 86%. Con số là 80% ở những bệnh nhân chỉ mới ở giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng chưa rõ ràng.
Việc thực hiện không mấy khó khăn: Trong thử nghiệm, các nhà khoa học đã lấy mẫu máu của 347 người tuổi từ 23 đến 90, bao gồm cả người có bệnh và người lành để đối chứng. Họ dùng một viên kim cương đóng vai trò như một lăng kính. Ánh sáng xuyên qua viên kim cương, tương tác với các liên kết hóa học trong mẫu và tạo ra xung động ở tần số nhất định. Các tần số này sẽ phản ánh những dấu vết của bệnh tật, từ đó giúp các chuyên gia chẩn đoán xác định. Công nghệ quang phổ hồng ngoại này có chi phí rất thấp và hiệu quả lại cao hơn nhiều so với cách chẩn đoán cũ.
Hơn hết, công nghệ mới cho phép bác sĩ nắm bắt tình trạng bệnh nhân ở giai đoạn đầu của bệnh, từ đó đưa ra hướng can thiệp sớm để làm chậm diễn tiến bệnh. Hiện nay, nhiều phương pháp điều trị Alzheimer đã được nghiên cứu, nhưng chưa có cách trị dứt điểm nào được chứng minh. Vì vậy, phát hiện sớm và làm chậm diễn biến là hướng điều trị tối ưu nhất.
Bình luận (0)