22 năm vẫn “xài tốt”
Đầu những năm 1980, khi Chris Biblis, một công dân vùng Charlotte, bang Bắc Carolina, mới 13 tuổi, được các bác sĩ chẩn đoán anh bị bệnh bạch cầu và yêu cầu điều trị hóa chất trong vòng 3 năm. Khi Biblis lên 16 tuổi, các bác sĩ khuyến cáo anh nên điều trị thêm hai năm nữa bằng phóng xạ. Tuy nhiên liệu pháp này có thể khiến Biblis vô sinh.
Thông thường các bệnh nhân trẻ tuổi và cha mẹ họ không để ý tới vấn đề đẻ con khi đối mặt với những bệnh nguy hiểm như ung thư. Rõ ràng mối quan tâm của họ là giữ được tính mạng trước sự tấn công của bạo bệnh. Bản thân Biblis cũng nghĩ như vậy: “Tôi chỉ cố để vượt qua trung học và sống ngày nào hay ngày ấy, hy vọng tôi sẽ vượt qua. Kết hôn và có con là những việc xa xôi nhất mà tôi nghĩ tới”.
Nhưng cha mẹ Biblis đã sắp xếp trước cuộc đời cho anh. Trong thời gian Biblis thực hiện hóa trị, mẹ anh đã thuyết phục con đông lạnh một ít tinh trùng và anh đã làm việc đó vào ngày 25-4-1986 ở Công ty Xytex International Ltd có trụ sở tại Atlanta.
22 năm sau thời điểm trên, Biblis giờ 38 tuổi, và vợ anh, chị Melodie, 33 tuổi, đã ăn mừng sự ra đời của đứa con đầu tiên, bé Stella Biblis, sinh tại Bệnh viện Presbyterian vào ngày 4-3, nặng 3,5 kg và đang mập lên rất nhanh. Đứa bé chính là “sản phẩm” từ các tinh trùng đông lạnh của Biblis.
Anh Chris Biblis và bé Stella Biblis
Kỷ lục thế giới nhờ sức mạnh khoa học
Việc tinh trùng của Biblis vẫn sử dụng được sau quãng thời gian đông lạnh kéo dài 22 năm được coi là sự kiện chưa có tiền lệ. "Chúng tôi tin đây là một kỷ lục thế giới” – ông Bonnie Schwab người đại diện cho các bác sĩ đã giúp vợ chồng Biblis có con tuyên bố. Trang tin URO Today và chương trình Today Show của đài NBC cũng cho rằng kỷ lục hiện nay đang thuộc về một đứa trẻ New York sinh ra từ tinh trùng đông lạnh trong 21 năm.
Tuy nhiên thành tích trên chỉ có được nhờ sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật.
Tiến sĩ Richard Wing, một thành viên trong nhóm bác sĩ của Biblises, cho biết trong những năm 1980, làm đông lạnh tinh trùng được cho là một việc làm hiếm gặp. Khi đó khoa học vẫn chưa thể tìm ra cách sử dụng các tinh trùng này cho hoạt động sinh sản bởi biện pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) ra đời từ năm 1978 đòi hỏi một lượng lớn tinh trùng.
Trong khi đó chỉ 35% các tinh trùng qua đông lạnh có cơ hội sống sót, chưa kể tới việc số lượng các tinh trùng khỏe mạnh còn ít hơn. Bước ngoặt khoa học xuất hiện vào năm 1992, khi người ta tìm ra kỹ thuật hỗ trợ thụ tinh ICSI. Kết hợp ICSI và IVF, giới khoa học chỉ cần một lượng nhỏ tinh trùng là có thể thụ tinh cho trứng thành công.
Tiến sĩ Wing gặp nhà Biblise vào năm 2004 khi họ đang cố tìm cách thụ thai tự nhiên và thuyết phục hai vợ chồng sử dụng biện pháp thụ tinh mới.
Tinh trùng của Bibblis được đưa ra khỏi tình trạng đông lạnh vào ngày 12-6-2008. Các bác sĩ trích ra 15 trứng từ buồng trứng của chị Melodie. Trong số này có 10 quả sử dụng được. Wing đã chọn ra các tinh trùng khỏe mạnh nhất của Biblis và bơm vào mỗi quả trứng một tinh trùng. Trong số đó, có 7 quả phát triển thành phôi thai và hai quả được cấy trở lại tử cung Melodie.
Trong khi nhiều cặp vợ chồng cần rất nhiều lần cấy phôi như vậy, chị Melodie đã có thai ngay trong lần thử đầu tiên. "Đó thực sự là một phúc lành. Chúng tôi không đòi hỏi gì hơn nữa” – chị Melodie nói.
Tấm gương cho các nạn nhân bạo bệnh
Trường hợp thành công của Biblis được xem là một bằng chứng chắc chắn cho những tiến bộ vượt bậc mà nhân loại đạt được trong hoạt động điều trị các bệnh sinh sản. Nó cũng là bằng chứng cho thấy tinh trùng đông lạnh vẫn có thể được dùng trong nhiều thập kỷ nếu chúng được bảo quản tốt.
Theo các bác sĩ điều trị cho Biblis, hoàn toàn không có nguy cơ biến đổi gene nguy hiểm hoặc tác động có hại tới sức khỏe của đứa trẻ do nguyên nhân tinh trùng đã bị đông lạnh quá lâu. Họ cũng cho biết những bệnh nhân ung thư trẻ giờ có thể được cung cấp dịch vụ này khi việc điều trị bệnh có thể dẫn tới chứng vô sinh.
Hiện gia đình nhà Biblis vẫn có thể có con nữa vì họ còn 5 phôi thai được làm đông lạnh và một lượng lớn tinh trùng chưa sử dụng. Nhưng cả hai chưa biết liệu họ có thêm con hay không.
Hai vợ chồng rất hy vọng rằng sự may mắn của họ sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho người khác. "Tôi nghĩ điều quan trọng là các gia đình có con cái bị ung thư hoặc bệnh bạch cầu hoặc các bệnh đe dọa tới tính mạng khác đã có thể bắt đầu đi theo con đường này” - chị Melodie tâm sự.
Bình luận (0)