Đó là những băn khoăn mà các DN đưa ra tại hội nghị mang chủ đề “Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thuốc sản xuất trong nước” do Hiệp hội DN dược Việt Nam tổ chức tại Quảng Bình ngày 26-7 với hơn 130 đơn vị cả nước tham gia. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã về dự.
Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu cung ứng đầy đủ, kịp thời, chất lượng, giá cả hợp lý các loại thuốc theo cơ cấu bệnh tật tương ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
Cụ thể đến năm 2020, 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước; thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm; vắc-xin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ. Đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng...
Ông Huỳnh Tấn Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dược Việt Nam, cho rằng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” còn một số hạn chế. Sau 2 năm triển khai chương trình này, bước đầu góp phần thay đổi thói quen, xây dựng văn hóa dùng thuốc trong nước của người Việt Nam, tạo xu hướng chung cho xã hội và người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề thuốc Việt nên hiểu thế nào cho đúng, phải chăng chỉ cần đáp ứng tiêu chí đó là thuốc của DN trong nước sản xuất? Không nên tạo ngộ nhận là thuốc giá rẻ thì chất lượng cũng rẻ. Thuốc Việt ở đây phải được hiểu đúng rằng ngoài tiêu chí sản xuất tại Việt Nam thì phải là thuốc tốt, thuốc bảo đảm chất lượng và có thể thay thế thuốc ngoại nhập về mặt hiệu quả điều trị và có giá cả hợp lý. Thuốc Việt bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng là điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu trên.
Thực tế cuộc vận động hiện nay có tình trạng hiểu sai, vô tình triển khai chương trình theo hướng sử dụng thuốc Việt bằng bất cứ giá nào, xem nhẹ yếu tố chất lượng và hàm lượng khoa học được tạo ra trong từng sản phẩm thuốc Việt. Cách làm này sẽ cổ xúy cho xu hướng phát triển tiêu cực vì chỉ cần thuốc Việt giá rẻ là đủ. Ảnh hưởng trước mắt là về chất lượng điều trị, còn về lâu dài sẽ triệt tiêu động lực vươn lên của các DN sản xuất trong nước, đặc biệt là đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.
Các chuyên gia đề xuất cần định hướng toàn diện và thống nhất trong quá trình thúc đẩy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, tạo niềm tin và sự ủng hộ của người tiêu dùng và giới thầy thuốc.
Bình luận (0)