Quản lý: Càng ngày, những cơ sở y tế tư nhân tại TPHCM "mọc" ra càng nhiều. Hiện nay toàn TP có 12.194 cơ sở khám - chữa bệnh tư nhân, chưa kể những cơ sở lậu, không giấy phép hoặc của bác sĩ dỏm không có chuyên môn. Tình trạng này đã gây không ít thiệt hại cho người bệnh
Nghe nhiều người quảng cáo về phòng mạch khám da liễu của bác sĩ C. trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 - TPHCM, chúng tôi đã tìm đến để khám bệnh. Nhìn từ bên ngoài, căn nhà treo đến 2 bảng hiệu khám bệnh ngoài giờ rất cũ kỹ, một bảng là bác sĩ C. chuyên khoa da liễu và bảng kia là bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình.
Ông bác sĩ lập dị và kem tự chế giá trên trời
Nghe có bệnh nhân đến, chưa rõ người bệnh cần khám chuyên khoa gì, một người đàn ông bước vội lên lầu rồi xuất hiện trong trang phục áo thun trắng, quần jean và hỏi: “Ai giới thiệu em đến?”. Nghe chúng tôi nói thấy treo bảng khám bệnh nên vào, ông liền bảo: “Tôi chỉ nhận bệnh do người quen giới thiệu” rồi lật niên giám phòng mạch, ghi một địa chỉ... trong chợ Bàn Cờ đưa cho tôi. Ông bảo: “Bác sĩ này (là một trưởng khoa của Bệnh viện (BV) Da Liễu) có uy tín, nên em đến đây khám”.
Đến phòng mạch bác sĩ C., nếu có người quen giới thiệu ông mới chịu khám. Có lẽ thói quen này càng làm tăng hơn uy tín cho việc kinh doanh kem tự pha với giá cắt cổ. Một số bệnh nhân tìm đến bác sĩ C. điều trị đã phải tiền mất, tật mang.
Điển hình là chị H. ở phường Tân Định, quận 1. Nghe người quen giới thiệu bác sĩ C. chữa hết mụn cho đứa cháu và “có một thứ kem chỉ bôi 2 lần đã làm biến mất vết loét ở vành tai” do thuốc nhuộm tóc gây ra, chị H. liền tìm đến. Sau khi đồng ý nhận khám bệnh rồi, bác sĩ C. “tiếp thị” rằng: “Phòng mạch không cần lấy số, không phải xếp hàng. Có lần người mẫu H.K.A. bị sưng môi vì dị ứng đã được tôi cho bôi một loại kem đến tối là có thể đi biểu diễn được”.
Với làn da bị tai biến do dùng loại kem tự pha bình dân có bán ở khắp các chợ, bác sĩ C. bảo đảm chị H. sẽ khỏi chỉ trong mươi ngày. Ông ghi toa 3 loại thuốc ngoại đắt tiền, bảo đến mua ở nhà thuốc gần đấy và “nhượng” cho lọ kem bôi khoảng 20 cc giá đến 400.000 đồng.
Do kem gây cảm giác khó chịu nên bác sĩ khuyên chị H. mua ống kem làm giảm sẹo rồi dùng một cái que nhỏ pha trộn vào cho chị dùng tiếp. Sau đó, ông chích một mũi thuốc ở bắp tay chẳng rõ có tác dụng gì mà giá đến 30 USD! Tuy biết đó là “chiêu” kiếm tiền của ông nhưng chị cũng bấm bụng chịu vì... hy vọng ông sẽ tung ra “món” kem “bửu bối” giúp chị khỏi bệnh!
Sau những lần tái khám vì kem “không hợp”, chị đã phải mua 4 - 5 lọ khác với những lời bảo đảm ngày càng chắc nịch và giá tăng, lên cả chỉ vàng. Nhưng... mỗi khi ngưng bôi thuốc thì da mặt càng đỏ và tệ hơn!, chị H. đã mang tất cả kem trả lại thì “được”... dùng miễn phí 1 lọ kem khác! Ngán ngẩm với thái độ cứ im im vờ đi của bác sĩ C., chị H. cầu cứu một chuyên gia mỹ phẩm. Qua một thời gian dài điều trị, đến nay da mặt chị đã có nhiều cải thiện.
Dược sĩ cũng mở phòng mạch
Theo chỉ dẫn của người quen đã từng điều trị hết mụn bọc, tôi dẫn đứa em đến khám tại một địa chỉ không bảng hiệu trong một con hẻm trên đường Trần Quang Diệu, quận 3. Ông điềm đạm tiếp chúng tôi tại một bàn làm việc có rất nhiều sách vở, báo chí trong phòng khách.
Sau khi chậm rãi hỏi và lưu tên, tuổi, địa chỉ, ông giơ kính lúp nhìn má bên trái khoảng một giây rồi lưu gì đó vào kim từ điển. Dường như khám thế là đủ, ông lẳng lặng đi vào nhà rồi mang ra 2 chai nhựa nhỏ giống như chai nhỏ mũi có chứa thuốc bôi dạng kem màu trắng, một hũ mật ong để thoa mặt và lọ thuốc uống gồm những viên nang nâu mềm.
Tất cả đều không có nhãn mác, được tính với giá mà nhiều người nhận xét là dễ chấp nhận so với những nơi điều trị mụn và nám da. Vì biết có khá nhiều bệnh nhân được ông chữa hết mụn nên em tôi không ngần ngại nhận thuốc nhưng cứ thắc mắc không biết ông ta chẩn đoán bệnh gì và các thuốc được cho dùng thế nào.
Mất hơn 700.000 đồng nhưng không rõ bệnh gì
Đến khám mắt tại một phòng khám mắt của một bác sĩ chuyên khoa khá nổi tiếng trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, chúng tôi phải đi nhiều lần mới lấy được số thứ tự vì ông chỉ khám từ 18 - 19 giờ.
Để được khám, trước tiên người bệnh phải mua sổ khám bệnh với giá 50.000 đồng, bao gồm tiền sổ và tiền khám bệnh. Sau đó, khi khám xong bệnh nhân sẽ được kê toa, bán thuốc và nếu cần thì có thể được cắt kính luôn vì phòng mạch này nằm chung với một tiệm kính.
Tại đây, chúng tôi có tiếp xúc với chị T., nhà ở phường 2, quận Phú Nhuận, đưa mẹ đến khám vì đau mắt và nhức đầu. Sau khi xong thủ tục lấy số mà mua sổ, mẹ của chị T. được một người khác khám chứ không phải do chính tay ông bác sĩ nổi tiếng kia khám. Sau đó, bệnh nhân phải mua thuốc với giá 700.000 đồng với lời dặn uống thuốc này để giảm đau đầu, gom dịch mắt lại trong vòng 3 ngày sẽ được mổ mắt.
Chị T. muốn hỏi thêm bác sĩ là bệnh nguy hiểm thế nào, có phải quay lại đây không hay đến mổ ở BV, có cần tái khám gì không, nhưng không ai trả lời vì có nhiều người bệnh khác đang chờ.
Ngày hôm sau, chị T. cho chúng tôi biết là do mắt mẹ chị quá đau nên phải đưa vào BV Mắt TPHCM để mổ, đây là bệnh cườm nước thường thấy ở người già. Các bác sĩ mổ mắt cho mẹ chị đã giải thích mẹ chị thấy đau mắt và nhức đầu do dịch cườm nước ép gây chèn ép dây thần kinh.
Sở Y tế không quản lý xuể! Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, kết quả thanh tra năm 2005 có gần 25% cơ sở hành nghề y và 15% cơ sở hành nghề dược tư nhân vi phạm quy chế hành nghề. Nội dung vi phạm chủ yếu là giấy chứng nhận hành nghề hết hạn hoặc không có đủ giấy chứng nhận hành nghề, không thực hiện đúng quy chế vô khuẩn và sát khuẩn, không có sổ khám bệnh, kinh doanh thuốc không số đăng ký, không niêm yết giá, thuốc quá hạn, thuốc nhập lậu... Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TPHCM, cho biết, hiện trên toàn TP có hơn 12.000 cơ sở y tế tư nhân nên không thể quản lý xuể những trường hợpkhám- chữa bệnh trái phép. Hằng năm, Sở Y tế TPHCM cũng tổ chức thanh tra đột xuất 2 lần trên khắp TP, mỗi đợt kéo dài 2 tháng. Theo quy định, bất kỳ cơ sở khám - chữa bệnh tư nhân nào, dù là phòng khám đa khoa hay phòng mạch cũng phải niêm yết giá khám bệnh rõ ràng, nniêm yết giấy phép hành nghề do Sở Y tế cấp. Người khám bệnh có quyền yêu cầu xem giấy phép để biết rõ chức năng bác sĩ có thể khám chữa bệnh đến đâu. (N.P) |
Bình luận (0)