Mặc dù cơ chế bệnh lý khác biệt nhưng cườm mắt do đục thủy tinh thể (cườm khô) hay tăng áp lực nội nhãn (cườm nước) đều có đoạn cuối như nhau, dẫn đến nghịch cảnh mất thị lực! Thuận lý nếu mắt hóa cườm khi tuổi đời chồng chất. Điểm đáng nói là số đối tượng còn rất trẻ nhưng đã là nạn nhân của tình trạng đau đầu, mỏi gáy, chóng mặt, hồi hộp... do tăng áp lực nội nhãn vì ngồi nhiều giờ trước máy vi tính đang chiếm tỉ lệ rất cao ở nước ta, phần vì bệnh không được phát hiện, phần vì bệnh không được dự phòng hiệu quả.
Cho dù kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị hiện nay đã tiến bộ rất nhiều nhưng vấn đề vẫn là làm sao để mắt lâu bị cườm thay vì đợi cườm rồi mổ. May mắn cho người muốn bảo vệ đôi mắt là nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây đã giúp ngành y phát hiện vai trò phá hoại của độc chất ôxy hóa trong tiến trình tạo nhân cườm trên mắt. Vì thế, thầy thuốc coi trọng quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh đã từ lâu cổ động cho phương án thường xuyên tiếp tế các hoạt chất sinh học vừa có công năng kháng ôxy hóa vừa bảo vệ thần kinh thị giác như sinh tố C; cặp bài trùng sinh tố A và E; khoáng tố vi lượng như kẽm, crôm, selen, chất màu anthocyanin trong rau quả, tập thể polyphenol trong cây thuốc và nhất là chất đạm gốc thực vật. Không thể dùng chất đạm gốc động vật vì khi dùng dài lâu, các phế phẩm của tiến trình biến dưỡng như cholesterol, axít uric... sẽ thừa nước đục thả câu.
Nhiều người vẫn tưởng hễ đạm phải là món ăn gốc động vật, hễ đạm là thịt. Cây cỏ cũng có chất đạm. Điểm đáng mừng cho người có đôi mắt đã mỏi mệt là không chỉ riêng chất đạm dưới dạng dễ dung nạp, tất cả hoạt chất cần thiết để chống rối loạn điều tiết thị giác có sẵn trong lá cây chùm ngây, gạo mầm, tảo Spirulina... với hàm lượng vừa dồi dào vừa được cơ thể chuyển hóa một cách tối ưu. Đáng nói hơn nữa, theo kết quả nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiện ở
TP HCM, tình trạng tăng áp lực nội nhãn được cải thiện rõ rệt chỉ sau 4 tuần kết hợp chất đạm thực vật trong chế độ dinh dưỡng. Điều đó cho thấy hiểu cách áp dụng thật sớm một số thực phẩm có công năng kháng ôxy hóa khi đôi mắt còn khỏe để trì hoãn thời điểm phát tán của bệnh mắt cườm là điều hoàn toàn khả thi, thay vì đợi nước đến chân mới nhảy.
Đó cũng là lời giải thích tại sao bệnh nhân đái tháo đường rất cần chất đạm gốc thực vật để vừa tránh suy dinh dưỡng vừa bảo vệ yếu điểm hàng đầu là đôi mắt!
Bình luận (0)