Xin bác sĩ tư vấn mẹ tôi nên và không nên dùng những thực phẩm nào để bảo đảm cho thể trạng được tốt? Tôi có nghe nói về việc "bỏ đói" khối u có thể khiến tế bào ung thư chậm phát triển, rất mong bác sĩ giải thích thêm.
GS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương, trả lời: Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày là một phần điều trị của ung thư dạ dày. Với những người bị cắt bỏ toàn bộ dạ dày hay chỉ cắt phần dạ dày bị ung thư cũng khiến người bệnh khó khăn trong việc ăn uống, tiêu hóa thức ăn. Thông thường, sau khi cắt dạ dày, người bệnh bị giảm cân, gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch khiến họ thường không thèm ăn, không thấy đói. Do vậy, sau giai đoạn này, bệnh nhân nên ăn các thức ăn dễ tiêu nhưng vẫn bảo đảm dinh dưỡng như: các loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu protein, các sản phẩm sữa, cháo dinh dưỡng, thịt gia cầm xay nhỏ và có thể thêm những sản phẩm giàu calo như: bơ, dầu, phô mai... Nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày (6-8 bữa/ngày).
Dinh dưỡng là một phần quan trọng của sức khỏe nên hãy coi các bữa ăn như là các loại thuốc chữa bệnh cần uống trong ngày. Đa số các loại hóa chất đều gây nôn, buồn nôn, tạo cảm giác mệt mỏi, chán ăn cho người bệnh. Vì vậy, ngoài chế độ dinh dưỡng, bác sĩ sẽ điều trị phối hợp thêm các thuốc chống nôn khi cần thiết.
Hiện nay, ung thư chỉ có thể điều trị khỏi khi được điều trị theo những phương pháp khoa học đã được kiểm chứng như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… Tùy vào thể trạng của mỗi bệnh nhân, các bác sĩ sẽ áp dụng một phương pháp điều trị sao cho phù hợp nhất. Như tôi đã nói, chế độ ăn của người bệnh ung thư luôn cần đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng. Nếu cơ thể bị bỏ đói, người bệnh sẽ gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị.
Bình luận (0)