xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chia nhóm để chống dịch hiệu quả

Ngọc Dung - Trường Hoàng - Nguyễn Thạnh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng lòng yêu nước, đoàn kết, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng, tương trợ lẫn nhau đã được khơi dậy, nhân lên trong phòng chống dịch Covid-19

Chiều 17-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với các địa phương.

Chưa cho phép tập trung đông người

Qua hơn 3 tháng chống dịch, các tổ chức, cá nhân đã hiểu hơn về dịch bệnh, về cơ chế lây nhiễm, biện pháp phòng dịch, mức độ sẵn sàng của cả hệ thống, của cộng đồng đã được nâng cao rất nhiều.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng thời gian tới cần có giải pháp phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, nhóm ngành nghề để bảo đảm vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. "Phải tiếp tục chia nhóm đến cấp huyện, cấp xã, thậm chí cấp thôn để có thể điều hành sát sao hơn và hiệu quả hơn trong thực hiện mục tiêu kép. Vì vậy, các tỉnh phải có bộ phận cập nhật số liệu, theo dõi hằng ngày" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, vì dịch còn kéo dài nên mọi người phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn, không chủ quan. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần chuẩn bị kỹ, giải pháp rất cụ thể cho từng vùng, từng cấp học, từng loại hình trường lớp, bổ sung và thực hiện phù hợp.

Phó Thủ tướng lưu ý cần hạn chế ra ngoài, đi lại khi không thật sự cần thiết. Cần có quy định thật cụ thể khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng (máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe khách và cả taxi, xe ôm). Việc sản xuất, kinh doanh ở nhà máy, xí nghiệp lớn tới các tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gia đình, nhỏ lẻ, lao động tự do đều phải có các hướng dẫn rất cụ thể. Đặc biệt đối với các hộ kinh doanh cá thể, người hành nghề tự do cần có quy định hướng dẫn kể cả khi cầm tiền, thanh toán... như thế nào cho an toàn.

"Trước mắt, chúng ta chưa cho phép tập trung đông người. Đối với các hoạt động bắt buộc phải làm như hiếu, hỉ cần tuân thủ quy định về số người tham gia cùng các biện pháp bảo đảm an toàn" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng, cống hiến, hy sinh, tương trợ lẫn nhau... đã được khơi dậy, nhân lên qua việc phòng chống dịch. Đó là hình ảnh, uy tín của hệ thống chính trị, của đất nước trong kiểm soát dịch bệnh, trong hợp tác quốc tế và đặc biệt dù còn nghèo song Việt Nam sẵn sàng chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ các nước.

Chia nhóm để chống dịch hiệu quả - Ảnh 1.

Nhân viên y tế phun khử khuẩn thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) - nơi có bệnh nhân 266 sinh sốngẢnh: Ngô Nhung

Không có ca bệnh mới

Bộ Y tế cho biết đến 18 giờ ngày 17-4, lần đầu tiên liên tục trong 36 giờ Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Số mắc hiện vẫn là 268 ca. Cũng trong ngày, cả nước có 21 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh.

Như vậy, đến nay Việt Nam đã có tổng cộng 198 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, chiếm 74%; còn 70 bệnh nhân đang điều trị.

Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết TP Hà Nội và TP HCM cùng 10 tỉnh, TP nằm trong nhóm "nguy cơ cao" tiếp tục tạm hoãn tiêm chủng thường xuyên, gồm: Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh. Các tỉnh, TP "có nguy cơ" và "nguy cơ thấp" sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai tiêm chủng để tránh "dịch chồng dịch".

Đưa robot vào hoạt động

Chiều cùng ngày, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP HCM, Sở Y tế TP cho biết TP đã có 7.575 doanh nghiệp (DN) có bảng đánh giá an toàn DN, trong đó có 98,7% đánh giá rủi ro ít hay rủi ro lây nhiễm thấp. Riêng Công ty Pou Yuen có chỉ số rủi ro là 42%, TP đã hướng dẫn công ty này thực hiện tốt việc giãn cách công nhân lúc vào ca và tan ca; tuyên truyền nhắc nhở tại các chợ tự phát, chợ công nhân thực hiện giãn cách, tránh tập trung đông người.

TP sẽ tiếp tục trang bị máy đo nhiệt tự động cho các chốt kiểm soát. Đẩy nhanh tiến độ kiểm tra đánh giá mức độ an toàn của các DN. Tổ chức xét nghiệm kiểm tra sau thời gian cách ly và sau khi xuất viện. Đối với người nước ngoài lưu trú trên địa bàn, TP sẽ lấy mẫu xét nghiệm. Sở Y tế cũng sẽ phối hợp với các đơn vị hoàn tất bộ tiêu chí an toàn để các đơn vị hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cho biết các quận, huyện đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng chống dịch bệnh. TP sẽ duy trì 62 chốt kiểm soát dịch bệnh đến ngày 22-4. Các hành vi như thông tin sai sự thật, gian lận thương mại, găm hàng, không thực hiện cách ly, không đeo khẩu trang... sẽ được xử lý nghiêm.

Tính đến ngày 17-4, TP HCM có 54 trường hợp mắc bệnh Covid-19, trong đó có 46 người khỏi bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã lấy 9.127 mẫu xét nghiệm sàng lọc tại sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn, khu lưu trú công nhân và đều cho kết quả âm tính. Robot khử khuẩn thay thế nhân viên y tế khử trùng phòng cách ly Covid-19 chuẩn bị tiếp tục hoạt động tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ. Đây là công trình được Sở Y tế đặt hàng cho Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Bệnh viện Quân dân y miền Đông TP HCM chế tạo. 

Kiểm soát vận tải khách liên tỉnh theo nhóm

Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị liên quan hướng dẫn việc hoạt động trở lại của vận tải khách, áp dụng từ ngày 17 đến hết 22-4. Theo đó, các nhóm địa phương (nhóm 1: nguy cơ cao; nhóm 2: có nguy cơ; nhóm 3: có nguy cơ thấp) sẽ thực hiện theo nguyên tắc: Vận chuyển khách nội tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh, TP quyết định cụ thể bằng các phương tiện công cộng.

Với đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, nhóm 1 và 2 không vận chuyển hành khách liên tỉnh, trừ lý do công vụ và cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, đưa đón công nhân, chuyên gia, chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Với người hết thời hạn cách ly hoặc trường hợp đặc biệt khác thì sở giao thông vận tải phối hợp sở y tế đề xuất và tham mưu UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương xem xét, quyết định. Nhóm 3 được vận tải khách liên tỉnh giữa các địa phương cùng nhóm với nhau. Từ ngày 23 đến 30-4, địa phương nào thay đổi nhóm thì sẽ theo hướng dẫn như trên để thực hiện.

V.Duẩn

Có dấu hiệu sai phạm trong mua máy xét nghiệm Covid-19

Ngày 17-4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã mời một số cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC Hà Nội) lên làm việc liên quan đến việc mua sắm thiết bị y tế (máy xét nghiệm); vấn đề cũng có liên quan đến một số tỉnh, thành khác.

Ông Chung cho biết quan điểm của Thường trực Thành ủy Hà Nội và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP là các trường hợp vi phạm đều phải được điều tra, xử lý nghiêm, không bao che. Trong chống dịch bệnh mà có hành vi sai thì phải xét thêm tình tiết tăng nặng. Ban chỉ đạo đã thường xuyên giám sát trong mua sắm bảo đảm chất lượng, số lượng; chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở cung cấp vật tư y tế tăng giá. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu tình trạng này vẫn diễn ra, yêu cầu Sở Y tế TP Hà Nội phải có văn bản báo cáo về vấn đề trên.

Theo ông Chung, một trong những nguyên nhân tạo kết quả chống dịch tốt của TP thời gian qua là do thực hiện tốt công tác xét nghiệm. Trong thời gian tới, khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Ông Chung cũng cho rằng công tác xét nghiệm là tối quan trọng, yêu cầu tổ chức xét nghiệm tất cả người dân còn lại ở thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín), các đơn vị tổ chức xét nghiệm tại các chợ đầu mối như: Ngã tư Sở, Long Biên, chợ hoa quả Hoàng Mai, chợ hải sản, chợ gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín)... Kết quả xét nghiệm với các người dân thường xuyên đi lại, giao thương với các tỉnh, thành này sẽ là một nguồn dữ liệu đánh giá tốc độ lây nhiễm trên địa bàn TP.

UBND TP giao Sở Y tế phải tập huấn cho y sĩ, bác sĩ nâng cao năng lực xét nghiệm để lấy được khoảng 5.000-6.000 mẫu tại chỗ mỗi ngày cũng như nâng cao hiểu biết về Covid-19, xác định ứng phó lâu dài với dịch, nắm chắc các phác đồ điều trị.CDC Hà Nội, các bệnh viện, địa phương phải báo cáo thống kê trang thiết bị y tế đã mua trong giai đoạn 1 và có kho cất trữ. Các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện tuyệt đối không được dùng các trang thiết bị y tế này để khám chữa bệnh thông thường, chỉ dùng cho phòng chống dịch Covid-19, phải dự trữ cho chiến lược sử dụng về lâu dài. Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu mở rộng học trực tuyến, có phương án cho học sinh quay trở lại trường học...

H.Thanh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo